Kỳ vọng tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp
Chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2022 - 2026 theo Quyết định số 83/2022/QÐ-UBND của UBND tỉnh chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.2022. Chính sách này được kỳ vọng tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở những lĩnh vực giàu tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT đã thông tin xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) giai đoạn 2022 - 2026 đặt ra mục tiêu cụ thể như thế nào?
- Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển NNCNC giai đoạn 2022 - 2026 được ban hành nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện phát triển NNCNC gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo hướng lợi thế, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân.
Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển NNCNC giai đoạn 2022 - 2026 chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.2022. Mục tiêu của Chính sách là hỗ trợ các HTX, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Để chính sách này phát huy hiệu quả, trong giai đoạn 2022 - 2026, ngành nông nghiệp thực hiện triển khai tập trung cho các lĩnh vực đủ điều kiện. Cụ thể, các mô hình được tuyển chọn tham gia lĩnh vực trồng trọt phải đáp ứng quy mô diện tích từ 1 ha trở lên, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ. Tham gia mô hình, người sản xuất được hỗ trợ 100% chi phí đầu tư đầu vào gồm giống, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất và chi phí thực hiện thủ tục chứng nhận hợp chuẩn - không quá 60 triệu đồng/dự án hợp chuẩn VietGAP, không quá 80 triệu đồng/dự án hợp chuẩn hữu cơ. Tương tự với lĩnh vực chăn nuôi, trước hết hỗ trợ chăn nuôi heo công nghệ cao áp dụng cho các trang trại chăn nuôi quy mô vừa (200 - 300 con) trở lên, trong đó người chăn nuôi được hỗ trợ không quá 150 triệu đồng đầu tư các thiết bị, máy móc cho chuồng trại, hỗ trợ xây dựng chứng nhận VietGAP (không quá 40 triệu đồng/dự án)…
● Ông kỳ vọng như thế nào về chính sách này?
- Hiện nay, tại tỉnh ta ngành NN&PTNT đang có hơn 20 chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó, có 10 chính sách do Trung ương ban hành và 10 chính sách do tỉnh ban hành. Trong đó, mỗi chính sách hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện một lĩnh vực cụ thể. Nhìn chung, các chính sách này đã đi vào thực tế, góp phần hỗ trợ người dân cải thiện tập quán sản xuất, đổi mới sản xuất theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị tăng trưởng của ngành.
Chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở Bình Định được hỗ trợ theo chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, tăng giá bán và tăng thu nhập. Ảnh: THU DỊU
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô sản xuất (còn nhỏ lẻ, manh mún tự phát, chưa liên kết thành vùng, chưa có nhiều sự liên kết trong sản xuất tiêu thụ, thiếu bền vững…), chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đủ sức cạnh tranh; kỹ thuật, công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến giá thành sản phẩm cao làm giảm năng lực cạnh tranh.
Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trên cả nước và hướng đến xuất khẩu, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 83/2022/QĐ-UBND ngày 20.12.2022 Quy định chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 - 2026. Để tạo động lực ban đầu, tỉnh ta ưu tiên chọn hỗ trợ đối tượng được thụ hưởng là nhóm đã và bắt đầu có các dự án về phát triển NNCNC. Các HTX, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, có sự chuẩn bị rồi, nay có thêm chính sách của tỉnh trợ lực, họ có thể đi đúng hướng và mau thành công hơn. Từ những hình mẫu ban đầu đó, các cá nhân, đơn vị khác sẽ có cách thức tiếp cận NNCNC phù hợp với mình.
● Đến nay, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện chính sách này như thế nào, thưa ông?
- Ngay khi chính sách này có hiệu lực, Sở NN&PTNT đã xây dựng “Hướng dẫn đầu tư, phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026” lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành và địa phương để hoàn chỉnh hướng dẫn. Đến ngày 6.4, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện.
Chuỗi liên kết và sản xuất đậu phụng áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng cạn. Ảnh: THU DỊU
Cùng với đó, Sở đã giao các chi trực thuộc phối hợp với các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các dự án, mô hình để trình phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, ngành NN&PTNT cùng với các địa phương đang trong quá trình lựa chọn, xác định vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện để hướng dẫn xây dựng dự án, hỗ trợ, đầu tư phát triển NNCNC. Theo đó, chúng tôi giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương lựa chọn các mô hình trồng trọt đủ điều kiện; giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y lựa chọn mô hình nuôi heo công nghệ cao… Dự kiến đầu tháng 5.2023, các đơn vị chuyên môn trình các mô hình để Sở NN&PTNT thẩm định trước, tổng hợp và trình UBND tỉnh xem xét.
● Xin cảm ơn ông !
THU DỊU (Thực hiện)