Khu vực FDI xuất siêu gần 14,1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến 20.4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế đến ngày 20.4, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong 4 tháng đầu năm, khu vực FDI vẫn xuất siêu gần 14,1 tỷ USD kể cả dầu thô.
Về xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực ĐTNN ước đạt gần 81,19 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ, chiếm 74,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 80,56 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt 67,1 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm hơn trong 4 tháng đầu năm 2023 (giảm sâu hơn 0,8 điểm phần trăm so với 3 tháng), khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu gần 14,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 13,5 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 8,3 tỷ USD.
Có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong, Hàn Quốc.
Theo Xuân Lan (VOV1)