Nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn lao động cho lao động tự do
Lực lượng lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động làm trong lĩnh vực như xây dựng, khai thác đá thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, kỹ năng tự bảo vệ cho nhóm lao động này là hoạt động được Sở LÐ-TB&XH rất quan tâm.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, lực lượng lao động tự do trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số người ở độ tuổi lao động. Thời gian làm việc trong ngày kéo dài, phần lớn ở ngoài trời, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) cao, nhưng nhiều lao động ở một số nhóm nghề nặng nhọc, nguy hiểm không có hợp đồng lao động, không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, không được hưởng các chế độ đãi ngộ hay tham gia đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp… Khi không may xảy ra TNLĐ, họ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát và Công ty CP đào tạo Greenlines Việt Nam tổ chức lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 120 người lao động không có hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng và khai thác đá trên địa bàn huyện.
Thợ khai thác đá cần chú trọng kỹ năng bảo vệ an toàn cho mình (ảnh minh họa).Ảnh: V.L
Tại lớp huấn luyện, người lao động được bổ sung kiến thức để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, hiểu rõ hơn các tình huống nguy cơ dẫn đến TNLĐ; các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng; sử dụng an toàn một số máy móc, thiết bị xây dựng; phương pháp xây dựng hệ thống quản lý an toàn lao động tại DN...
Anh Nguyễn Thái Bình (40 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh; làm nghề thợ xây dựng gần 20 năm), cho hay: “Phần lớn chúng tôi học nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc, thiếu nhiều kỹ năng. Từ khóa học này, tôi nắm bắt nhiều kiến thức, hiểu về nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn trong thực tế. Tôi sẽ vận dụng những kỹ năng học được vào công việc hằng ngày để tự bảo vệ mình”.
Khi nhắc đến TNLĐ, anh L. (ở thôn An Đức, xã Cát Trinh; thợ khai thác đá) chia sẻ: “Tai nạn trong nghề khai thác đá là chuyện thường ngày ở công trường. Nhẹ thì đá văng, găm vào người, bầm dập chân tay do bị búa đập phải, nặng thì bị đá rơi nguy hiểm đến tính mạng. Lớp học hôm nay rất bổ ích cho tôi trong việc tự tìm cách phòng ngừa tai nạn”.
Theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt đối với những lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, khai thác đá (chiếm khoảng 80% các vụ TNLĐ và gần 90% các vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người).
“Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình TNLĐ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, khai thác đá ngày càng gia tăng là do người lao động chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trong năm 2023, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người lao động”, ông Phụng nhấn mạnh.
VĂN LƯU