Chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2023: Phù hợp với từng địa phương, tăng thu nhập cho người dân
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), diện tích sản xuất lúa của tỉnh cả năm là 92.830 ha, trong đó vụ Ðông Xuân 47.050 ha, vụ Hè Thu 42.120 ha, vụ Mùa 3.660 ha.
Về cơ bản, việc chuyển đổi diện tích đất lúa không có nhiều thay đổi, chủ yếu chuyển từ 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc để đảm bảo an ninh lương thực. Cùng với đó, ưu tiên ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến như IPM, ICM, SRI vào sản xuất, xây dựng các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, sản xuất hữu cơ, VietGAP.
Việc chuyển đổi năm nay tập trung mạnh vào nhóm cây trồng cạn, nhằm nâng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất. Theo đó, năm 2023 toàn tỉnh sản xuất 8.140 ha bắp, trong đó vụ Ðông Xuân 2.356 ha, vụ Hè Thu 3.506 ha, vụ Mùa 2.278 ha, tập trung ở Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Theo đó, các địa phương thực hiện chuyển đổi từ lúa, mì, mía kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu phụng, rau màu các loại…
Vùng sản xuất cây ăn trái và đậu phụng mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Phù Cát. Ảnh: THU DỊU
Theo tính toán điển hình của ngành nông nghiệp, tổng mức đầu tư bình quân một héc ta bắp sinh khối khoảng 47,9 triệu đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 26,9 triệu đồng/ha/vụ, gấp 2,5 lần so với trồng bắp lấy hạt và các cây trồng khác; đồng thời cũng trên diện tích đó nếu chuyển đổi qua trồng luân canh đậu phụng vụ Ðông Xuân, mè, đậu các loại vụ Hè Thu…, lợi nhuận thu được cao hơn.
Dựa trên thế mạnh của từng vùng
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phụ thuộc lớn vào đặc điểm của từng vùng miền để phát huy hiệu quả. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp với từng nơi.
Ở khu vực miền núi, các vùng thiếu nước, việc chuyển đổi ưu tiên cho cây trồng lâu năm, đồng thời có thể tính toán xen canh cây trồng thích hợp; ở các vùng đất ổn định về nguồn nước, chuyển đổi ưu tiên cho các cây hoa màu như bắp, đậu phụng, rau các loại.
Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cả giai đoạn và từng năm nhằm đảm bảo quá trình thực hiện hiệu quả. Trước mắt, Chi cục tập trung vào 3 địa phương có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng lớn gồm: Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Ân.
Trong đó, huyện Tây Sơn và Phù Cát tập trung cho chuyển đổi sang trồng đậu phụng áp dụng quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Với đậu phụng, ưu tiên sản xuất các giống đậu phụng làm nguyên liệu ép dầu; vùng sản xuất quy hoạch tập trung áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Ðồng thời, Chi cục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình thu hoạch đậu phụng bằng phương tiện cơ giới để hoàn thiện quy trình từ sản xuất tới thu hoạch bằng máy móc cho cây đậu phụng.
Với huyện Hoài Ân, chuyển đổi từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Các địa phương khác tổ chức triển khai chuyển đổi theo kế hoạch đã ban hành thực hiện hằng năm.
Nguồn: BTV
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thông tin thêm, cùng với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong năm 2023, Chi cục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng cho cây đậu phụng, hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch duy trì vùng sản xuất đậu phụng nguyên liệu ổn định cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP theo phương thức xây dựng kế hoạch sản xuất liên kết chuỗi.
THU DỊU