Hơn 1.100 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý do để xảy ra tham nhũng trong 10 năm
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ nhiều đối tượng tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh, được dư luận đánh giá cao.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký báo cáo của Chính phủ về tổng kết chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.
Đòn giáng mạnh vào tham nhũng
Theo đó, Chính phủ khẳng định qua hơn 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong đó, các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị ngày càng cao, hành động mạnh mẽ, "không dừng", "không nghỉ", không có ngoại lệ.
Ba ông (từ trái qua) Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng bị bắt liên quan vụ Việt Á - Ảnh ghép T.C
Chương trình thanh tra, kiểm tra chú trọng vào lĩnh vực "nóng", dễ phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, tài chính…
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, các vụ án, vụ việc về tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá.
Báo cáo của Chính phủ dẫn loạt "đại án" như vụ Nguyễn Đức Kiên, Ngân hàng ACB; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Ngân hàng VietinBank; vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan Trịnh Xuân Thanh.
Vụ vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)…
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động nhận diện kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc như y tế, giáo dục, chứng khoán, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Báo cáo chỉ rõ điển hình là Phan Quốc Việt, chủ tịch Công ty Việt Á về tội "đưa hối lộ"; Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC phạm tội "thao túng thị trường chứng khoán".
Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) phạm tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"...
Chính phủ nhận định, ở từng giai đoạn của quá trình thực hiện chiến lược và công ước, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có những chuyển biến nổi bật và rõ nét.
"Việc khởi tố, điều tra các vụ đại án lớn là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ tham nhũng", báo cáo nêu.
Thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng do tham nhũng
Cũng theo báo cáo, từ năm 2009 đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 2.578vụ/5.635 bị can; đình chỉ 199 vụ/115 bị can.
Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 3.067vụ/7.383 bị can (trong đó án mới truy tố là 2.814 vụ/6.136 bị can). Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 2.929 vụ án và 5.605 bị cáo bị kết án tham nhũng.
Trong đó có 2.197 bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, 1.147 bị cáo phạm tội nghiêm trọng, 951 bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và 375 bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo nêu rõ nhiều đối tượng tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng cũng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước trong 10 năm qua. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý tổng số vụ việc phải thi hành là 12.857 việc, tương ứng với số tiền trên 167.252,3 tỉ đồng.
Số việc đã thi hành xong là 11.235 việc, tương ứng với số tiền 48.861 tỉ đồng (tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 29,2%). Riêng năm 2020 đã thi hành được số tiền hơn 14.000 tỉ đồng, bằng 61% tổng số tiền đã thi hành xong trong kỳ báo cáo.
Cũng theo báo cáo, trong 10 năm đã có 1.141 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Trong kỳ báo cáo, đã có 102.799 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra, qua đó đã xử lý 4.971 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Chính phủ cũng cho biết các quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và xử lý hành vi vi phạm đã được ban hành và đạt được một số kết quả tích cực.
Tổng kết từ năm 2009 đến năm 2020 cho thấy có 646 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,8 tỉ đồng.
(Theo THÀNH CHUNG/TTO)