Ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Tình nguyện dạy miễn phí, theo sát học sinh yếu
Càng đến gần kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - sẽ diễn ra cuối tháng 6.2023 - công tác hỗ trợ, ôn tập càng được các trường đẩy mạnh với nhiều giải pháp như khảo sát phân loại học sinh, họp phụ huynh để phối hợp cùng nhà trường, tổ chức lớp phụ đạo, theo sát học sinh yếu…
Lớp học sáng đèn trong đêm
Hơn 1 tuần nay, mỗi giờ ôn tập môn Ngữ văn của lớp 12A4, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT Bình Định, giáo viên chủ nhiệm lớp Lê Thị Tạo chia lớp thành hai nhóm: Nhóm học sinh (HS) khá được hướng dẫn rèn luyện kiến thức nâng cao; còn nhóm HS trung bình, yếu tập trung kiến thức cơ bản nhất. Những HS quá yếu, ngoài giờ học chính khóa buổi sáng, cô Tạo còn tự nguyện dạy miễn phí cho các em vào giờ tự học buổi chiều, buổi tối.
Giờ ôn tập môn Ngữ văn của lớp 12A4, Trường PTDTNT THPT Bình Định, được chia thành hai nhóm theo năng lực HS. Ảnh: M.H
“HS dân tộc thiểu số hạn chế về ngôn ngữ nên môn Ngữ văn là một trở ngại. Quá trình dạy các em, tôi nắm bắt năng lực của từng em, rồi sàng lọc và chia nhóm hỗ trợ cho phù hợp để những em học yếu nắm được kiến thức cơ bản nhất cho kỳ thi, còn học sinh khá tốt có thể có thêm cơ hội cạnh tranh xét tuyển đại học, cao đẳng”, cô Tạo chia sẻ.
Cũng ở Trường PTDTNT THPT Bình Định, thời điểm này những lớp học dành cho HS lớp 12 mở cửa cả ngày. Ngay cả khi đêm xuống, các lớp học vẫn sáng đèn, với hình thức HS tự học có sự hỗ trợ của giáo viên.
Hiệu trưởng Võ Thị Bích Lệ cho hay: Đầu tháng 5 tới đây, trường sẽ vào cao điểm 6 tuần ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Trong 99 HS lớp 12 chỉ có 2 em đăng ký thi tốt nghiệp THPT tổ hợp khoa học tự nhiên, 97 em còn lại chọn tổ hợp khoa học xã hội. Giáo viên tổ chức các lớp ôn tập theo nhóm năng lực của HS. Với 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, HS tiếp thu chậm thì giáo viên dạy tăng cường để các em nắm được kiến thức cơ bản; còn 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì hướng dẫn học bài, làm đề để HS khắc sâu kiến thức.
Theo sát học sinh
438 HS khối 12 của Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) sẽ được ôn tập ráo riết trong 7 tuần trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tập trung vào 3 môn học chính (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và 2 tổ hợp. Hiệu trưởng Huỳnh Châu Phong cho biết, “đầu vào” HS không cao nên các em chủ yếu lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội để thi tốt nghiệp THPT, do đó việc ôn tập cũng được trường tập trung trên định hướng này. Các lớp đều được chia thành hai nhóm ôn tập theo năng lực của HS.
Các trường THPT có 2 đợt khảo sát đánh giá chất lượng HS lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bên cạnh việc tập dượt kỹ năng làm bài và quy chế thi tương tự như ở kỳ thi thật, đây còn là dịp để nhà trường nắm được mức độ đáp ứng của HS theo “thước đo chung”. Từ đó có kế hoạch ôn tập phù hợp, quan tâm theo sát HS yếu.
Trong khi đó, với những trường học ở các huyện miền núi, nơi HS còn nhiều khó khăn và năng lực so với mặt bằng chung toàn tỉnh có hạn chế nhất định nên đều tổ chức vừa học vừa củng cố kiến thức cho HS 12 từ đầu học kỳ II.
Trường PTDTNT huyện Vĩnh Thạnh có 65 HS lớp 12, mục tiêu đặt ra là 80% đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường đã tổ chức hội thảo xây dựng nội dung ôn tập bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT và lên phương án ôn tập cao điểm. Ngày 6.5 tới đây, trường họp phụ huynh HS để phối hợp hỗ trợ các em ôn tập. Hiệu trưởng Từ Kim Lân cho biết, tất cả HS đều là người dân tộc thiểu số, trường đã lên nhiều phương án hỗ trợ ôn tập trực tiếp tại trường, nếu có sự đồng thuận của phụ huynh thì tổ chức cho các em ở lại khu nội trú của trường. Thậm chí, chúng tôi còn tính đến phương án nếu dịch bệnh Covid-19 phức tạp, giáo viên hỗ trợ tài liệu tổ chức cho HS ôn tập theo nhóm học sinh ở cùng làng.
Trong khi đó, Trường PTDTNT THCS và THPT Vân Canh hiện ngoài giờ học chính khóa buổi sáng còn tổ chức phụ đạo 3 buổi/tuần trên tinh thần tự nguyện cho 130 HS lớp 12. “Kế hoạch ôn tập cao điểm bắt đầu từ đầu tháng 5 cho đến ngay trước kỳ thi. Không có nội trú cho HS THPT, trường gặp khó khăn khi các em vắng học, giáo viên phải đến tận nhà trọ vận động HS đến lớp để “giữ chân” các em. Giáo viên cũng phải chia nhóm ôn tập, 2 lớp HS khá thì dạy kiến thức nâng cao, 2 lớp HS yếu thì dạy kiến thức cơ bản nhất”, Hiệu trưởng Trương Xuân Tú nói.
THU HIỀN