Trồng dưa lê thu nhập khá
Anh Nguyễn Công Bằng ở xóm Tây, thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn (ảnh) là người đầu tiên trong thôn trồng dưa lê thâm canh theo hướng hữu cơ trên diện tích 8 sào đất vườn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Anh Bằng cho biết bắt đầu trồng dưa lê cách đây 5 năm. Mỗi năm, anh trồng 2 vụ gối đầu, Đông Xuân và Hè Thu. “Việc tiêu thụ khá thuận lợi vì tôi bán khá nhanh cho thương lái các chợ đầu mối trong huyện, hơn nữa ngày càng có thêm nhiều bạn hàng đến mua gom khi vừa có dưa chín. Dưa lê thường giữ giá ở mức bình quân khoảng 15.000 đồng/kg nên mỗi năm tôi lãi được hơn 160 triệu đồng”, anh Bằng kể chuyện.
Vụ Đông Xuân năm nay, trên diện tích 8 sào đất vườn, anh Bằng đưa giống dưa lê Thái trắng vào sản xuất. Giống dưa này có nhiều ưu điểm như ngắn ngày, chỉ sau 2 tháng là cho thu hoạch, trái to - khoảng 0,3 đến 0,5 kg/quả, vị ngọt, thơm đậm, được thị trường ưa chuộng. Nhờ nắm vững kỹ thuật, thâm canh theo hướng hữu cơ, cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, chất lượng trái cao hơn so với cách trồng thông thường, năng suất 700 kg quả/sào.
“Năm nay dưa lê được mùa, được giá - giá dưa cao hơn năm ngoái từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Tôi chịu khó tốn công thâm canh, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, nên trái dưa đảm bảo an toàn, ngon, sạch. Xong vụ Đông Xuân, tôi sẽ làm đất để trồng tiếp vụ Hè Thu”, anh Bằng cho biết thêm.
Ông Võ Minh Chiêu, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân, cho biết: Thôn Thuận Hòa có 7 hộ làm nghề trồng dưa lê, tập trung ở xóm Tây, trong đó hộ anh Nguyễn Công Bằng có nhiều sáng tạo nhất trong việc trồng dưa, đặc biệt là kiên trì thực hiện thâm canh cây dưa theo hướng hữu cơ. Tới đây, chi hội sẽ động viên các hộ trồng dưa lê trong thôn thành lập tổ hợp tác, với mục đích là hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết làm ăn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây dưa lê hơn nữa”.
ĐÀO MINH TRUNG