Phát triển chăn nuôi heo công nghệ cao
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nhận nhiệm vụ triển khai thực hiện dự án nuôi heo ứng dụng công nghệ cao dựa trên Chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 83/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) về vấn đề này.
● Với chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng, sẽ tạo ra chuyển biến và những giá trị nào trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, thưa ông?
- Tỉnh ta đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, trước tiên là chăn nuôi, tạo ra bước đột phá cho một số sản phẩm nông nghiệp có chọn lọc. Ở giai đoạn trước mắt sẽ tập trung phát triển đàn heo. Giá trị sản xuất chăn nuôi - trong đó chủ yếu là đàn heo - sẽ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ).
Theo đó, tới năm 2025, tổng đàn heo toàn tỉnh ước đạt 1,1 triệu con; trong đó, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đạt 242 nghìn con; xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ƯDCNC; xây dựng Khu chăn nuôi Nhơn Tân (TX An Nhơn) thành vùng chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”. Ngoài ra sẽ hỗ trợ để khuyến khích các cá nhân, hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, HTX trong tỉnh đầu tư, nâng cấp các trang trại chăn nuôi ƯDCNC phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ để có sản phẩm hợp chuẩn VietGAP.
Dự kiến đến năm 2026 sẽ hỗ trợ cho 100 cơ sở chăn nuôi heo ƯDCNC; đảm bảo đạt mục tiêu 22% tổng đàn heo của tỉnh đáp ứng chăn nuôi ƯDCNC và tiếp tục nhân rộng trong các năm tiếp theo, phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị.
● Như vậy, thời gian tới lĩnh vực chăn nuôi heo sẽ có thay đổi lớn…
- Chúng ta sẽ cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi theo vùng. Theo đó, vùng đồng bằng tập trung phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến. Đẩy mạnh ƯDCNC vào các trang trại chăn nuôi hiện có; giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ, xây dựng Vùng chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh tại xã Nhơn Tân, TX An Nhơn. Vùng trung du: Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn có ƯDCNC; xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh ở Hoài Ân, Tây Sơn. Vùng miền núi sẽ phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn có ƯDCNC, ưu tiên phát triển heo đen địa phương ở huyện An Lão.
Tham gia vào Dự án nuôi heo ƯDCNC, người chăn nuôi được hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, vệ sinh chuồng trại; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ thực hiện chứng nhận VietGAP. Ảnh: THU DỊU
● Trong năm nay, Chi cục phối hợp với các địa phương thực hiện những mục việc nào, thưa ông?
- Trước tiên, chúng tôi chủ động phối hợp Đài PT&TH tỉnh, Báo Bình Định tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để người chăn nuôi biết thông tin về chính sách của tỉnh và đăng ký tham gia; phối hợp các địa phương khảo sát, lựa chọn các cơ sở chăn nuôi heo đảm bảo đủ điều kiện về quy mô, khoảng cách, môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn viết dự án chăn nuôi theo quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và cách tổ chức triển khai. Công tác này đã triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, trong đó ưu tiên các vùng chăn nuôi heo trọng điểm, có các trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa trở lên như: Hoài Ân, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Phù Mỹ.
Cùng với việc triển khai chính sách phát triển chăn nuôi ƯDCNC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tích cực tổ chức tiêm phòng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đồng thời tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các địa phương chưa có nhà đầu tư để giúp gia tăng uy tín chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi của tỉnh Bình Định.
THU DỊU