Cú hích đổi mới, nâng cao chất lượng đo lường
Việc triển khai Đề án 996 của Thủ tướng Chính phủ ngày 10.8.2018, về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh bước đầu đem lại những kết quả tích cực.
Ông Phan Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) cho biết, để triển khai hiệu quả Đề án 996 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26.6.2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45 về thực hiện Đề án 996 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra 5 mục tiêu cụ thể, như: Tập trung hỗ trợ DN trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại các DN; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động DN. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về v ai trò, tầm quan trọng của hoạt động đo lường hỗ trợ DN…
Từ năm 2020 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tích cực triển khai thực hiện Đề án, thu về nhiều kết quả nổi bật từ đổi mới sửa đổi chính sách, tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ DN, đến tăng cường phát triển hạ tầng đo lường tại địa phương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường, triển khai công tác hỗ trợ DN đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa… Cụ thể, đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức đào tạo hơn 100 cán bộ, công nhân viên các lớp chuyên sâu về đo lường (đạt 50% so với mục tiêu đến năm 2025 của Kế hoạch số 45). Tổ chức tập huấn cho hơn 320 lượt DN với các nội dung về nghiệp vụ đảm bảo đo lường hàng đóng gói sẵn, đảm bảo đo lường chất lượng trong kinh doanh vàng, xăng dầu… Bên cạnh đó, Chi cục còn tham gia đoàn kiểm tra đo lường, chất lượng xăng dầu theo yêu cầu của Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Trung tại Công ty Xăng dầu Bình Định và Công ty CP Petec Bình Định.
Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra sự phù hợp của lượng hàng hóa thực tế tại Công ty TNHH NewHope Bình Định. Ảnh: T.C
Đặc biệt, trong năm 2022, từ nguồn kinh phí 330 triệu đồng được Sở KH&CN phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 996 thông qua việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã hỗ trợ, hướng dẫn 2 DN xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường, gồm: Công ty TNHH Gas Phú Quang (phường Tam Quan) và Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Hưng (phường Tam Quan Bắc), TX Hoài Nhơn.
Là DN hoạt động trong lĩnh vực chiết nạp, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, hằng tháng, Công ty TNHH Gas Phú Quang cung ứng ra thị trường khoảng 120 tấn gas. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, công ty đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo tiêu chuẩn đo lường. Ông Trần Nguyên Nghiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gas Phú Quang, cho hay: Thông qua sự hỗ trợ của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với công ty trong hoạt động phân tích thực trạng đảm bảo đo lường; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản triển khai thực hiện đảm bảo đo lường đang áp dụng; quy trình kiểm soát phương tiện đo, phép đo… Nhờ đó, đơn vị đã xây dựng và áp dụng thành công chương trình đảm bảo đo lường; ngăn ngừa và giảm thiểu những hao hụt khi chiết nạp gas, đảm bảo sản phẩm luôn đạt đúng chất lượng về đo lường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo niềm tin cho khách hàng.
Vừa qua, từ ngày 22.2 - 7.3, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN và CA tỉnh tiến hành thanh tra 50 cơ sở kinh doanh xăng dầu ở các địa phương trong tỉnh, qua đó phát hiện 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định pháp luật vềđo lường.
Ông Phan Ngọc Anh cho biết thêm: Tiếp tục triển khai Đề án 996, năm 2023, Chi cục tập trung hỗ trợ các tổ chức, DN đủ điều kiện được tham gia chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và xây dựng phương pháp đo. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, chương trình, dự án đến các tổ chức, DN… nhằm nâng cao nhận thức về đo lường chính xác, tầm quan trọng và lợi ích của đo lường chính xác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Phổ biến, tuyên truyền đến các tiểu thương tại một số chợ, trung tâm thương mại các quy định của pháp luật về đo lường đối với các loại cân (đồng hồ lò xo, điện tử...). Xây dựng, đào tạo và hình thành đội ngũ chuyên gia về tư vấn, hỗ trợ đổi mới hạ tầng đo lường tại các DN nhằm nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
TRỌNG LỢI