Nơi in dấu chân những người làm nên lịch sử
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, tôi có dịp đến thăm khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại vùng đất lửa Quảng Trị. Nơi đây khắc ghi một thời oanh liệt, hào hùng với những chiến lược, sách lược ngoại giao nhạy bén, sáng suốt của các nhà cách mạng tiền bối, góp phần đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30.4.1975.
Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ), cách TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) chỉ chừng 12 km. Nơi đây, năm 1829, Vua Minh Mạng cho xây dựng thành Vĩnh Ninh - Lỵ Sở. Sau này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn diện tích 17.300 m2 của khuôn viên thành Vĩnh Ninh cũ để đặt trung tâm đầu não hoạt động công khai, tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Nhà truyền thống tại Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ảnh: N.H
Sau khi được thành lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lãnh đạo quân và dân miền Nam đấu tranh giành nhiều thắng lợi lớn trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; thu hút sự đồng tình của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do, công lý trên thế giới.
Trước phong trào đấu tranh ngày càng sục sôi của nhân dân miền Nam, để tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống Mỹ - Ngụy, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 6.6.1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Bên cạnh đó còn có Hội đồng cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.
Đến giữa năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết. Với mục đích tạo thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tân Hòa (nay là thị trấn Cam Lộ) đặt trụ sở làm việc.
Từ miền Bắc XHCN, tàu biển chở vật liệu xây dựng như xi măng, khung sườn bằng sắt, ván… và 500 công nhân của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An vào Quảng Trị; nhanh chóng hoàn tất công trình sau 25 ngày đêm thi công (từ ngày 6 - 30.5). Khu trụ sở được xây dựng gồm 2 khu độc lập, trong đó khu A với 2 nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1 nhà ăn; khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên, cán bộ của Chính phủ...
“Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”.
(Trích lời nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch nước NGUYỄN THỊ BÌNH khắc ghi tại khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Ngày 6.6.1973, tại Trụ sở đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra mắt quốc dân đồng bào trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Quảng Trị, cùng đại biểu 19 nước và đông đảo phóng viên báo chí quốc tế đến dự. Đại sứ nhiều nước đã đến đây trình Quốc thư. Nơi này cũng đã đón tiếp nhiều lãnh tụ các nước như: Fidel Castro, Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba; Georges Marchais, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp.
Theo lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình được khắc ghi tại khu di tích: Với thắng lợi của chiến dịch 1972 oai hùng, ngày 1.5.1972, Tỉnh lỵ và đại bộ phận tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị nhằm tạo vị thế cho Ủy ban cố vấn và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thực hiện các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
* * *
Đất nước được hòa bình, thống nhất đã gần nửa thế kỷ. Mảnh đất Quảng Trị trên tuyến lửa năm xưa nay đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn còn đó, mãi mãi là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân miền Nam. Là biểu tượng của khát vọng hòa bình và lòng quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.
N. HÂN