Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V - Bình Định 2014
20 giờ tối nay (1.8), tại khu vực quảng trường đường Trường Chinh và Nguyễn Tất Thành - TP Quy Nhơn, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V - Bình Định 2014 chính thức khai mạc.
Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam”, Liên hoan là nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua tinh hoa võ Việt; tạo cơ hội để các dòng, môn phái võ thuật cổ truyền trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, học hỏi trên tinh thần thượng võ; thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các võ sinh cũng như võ phái, góp phần vào công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá võ cổ truyền Việt Nam.
Lễ khai mạc Liên hoan được dàn dựng hoành tráng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống với nghi lễ võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghi lễ tôn vinh tổ nghiệp, cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục biểu diễn ca múa, võ thuật có chủ đề tôn vinh võ cổ truyền Việt Nam và bản sắc văn hóa truyền thống Bình Định.
Dự Lễ khai mạc, về phía đại biểu Trung ương có các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ; Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Về phía lãnh đạo tỉnh có các ông: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Lộc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; cùng đông đảo đại biểu là đại diện lãnh đạo các cục, ban, ngành, các tỉnh, thành phố, đại diện một số đơn vị nước ngoài ở Việt Nam.
Tham dự Lễ khai mạc có 60 đoàn võ thuật của 26 võ phái đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng 63 đoàn võ thuật đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hàng vạn người dân và du khách cũng đã đến xem Lễ khai mạc tại khu vực khán đài chính và các màn hình led lớn được bố trí gần đó.
Các đoàn võ thuật về tham gia liên hoan diễu hành qua lễ đài:
Mở đầu Lễ khai mạc là nghi lễ tôn vinh Tổ nghiệp được tổ chức trang trọng, thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, kính tổ trọng thầy, tôn trọng bạn nghề, thể hiện cái tâm, cái đức của người luyện võ…với sự tham gia cuả hàng trăm võ sinh tạo hình trên sân khấu bái vọng trời đất, bái vọng tổ nghiệp, bái vọng bạn nghề rồi kết thành hai khối tạo hình như đài lửa, hướng vọng lên tượng đài Quang Trung trên sân khấu.
Trên tầng cao sân khấu, một võ sinh trao đuốc cho Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện châm lửa vào bát hương làm bùng lên ngọn lửa thiêng rực rỡ …
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã cảm ơn sự quan tâm của các bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã ủng hộ cho tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Ban Tổ chức Liên hoan sẽ tạo mọi điều kiện để các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế về tham gia sẽ được tham gia các hoạt động giao lưu, học hỏi cùng đoàn kết thực hiện việc bảo tồn võ cổ truyền Việt Nam…
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trao bằng công nhận “Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh võ cổ truyền Bình Định qua quá trình hình thành, phát triển đã là một thành tố văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, ăn sâu bám rễ vào đời sống của người dân Bình Định. Vì vậy, Bình Định cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định…
Mở đầu chương trình biểu diễn nghệ thuật, võ thuật là tiết mục “Âm vang hào khí Việt Nam” ngợi ca sức mạnh, ý chí đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Tiết mục “Bóng hình tạc tựa núi sông” do các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn đã khắc họa “Dưới cờ đại nghĩa” về những người lính nông dân áo vải, những nghĩa binh một lòng hội tụ dưới lá cờ đào… cùng chung sức đồng lòng “hành binh thần tốc” đánh tan 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, hơn 20 vạn quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa… đem đến cho người xem những cung bậc cảm xúc về một vùng đất Bình Định có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, quê hương của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, thiên tài quân sự đã lãnh đạo làm nên những chiến công oanh liệt đánh đuổi giặc ngoại xâm làm rạng danh Quốc sử Việt Nam…
Tiết mục “Trống trận Tây Sơn và võ cổ truyền” là sự kết hợp trên sân khấu đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung trình tấu những âm thanh hào hùng của trống trận Tây Sơn. Phía dưới sân khấu 100 võ sinh của Trung tâm võ cổ truyền Bình Định chia thành nhiều khối hình biểu diễn quyền, binh khí, tại hiện lại những đoàn quân Tây Sơn một lòng chiến đấu, bảo vệ non sông đất nước…
Những nét đặc sắc trong bề dày văn hóa truyền thống Bình Định tiếp tục được thể hiện qua việc phát họa văn hóa miền biển với những người ngư dân Bình Định mạnh mẽ đối mặt với cuồng phong của biển cả để miệt mài lao động để đem những thành quả về xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi quê nhà…
Nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân miền biển được tái hiện trên sân khấu với lễ hội cầu ngư do các nghệ nhân làng vạn chài Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), cùng các võ sinh trình diễn các lớp múa mang tính võ thuật theo tiết tấu và nhịp phách của dân gian độc đáo.
Tiết mục “Nghệ thuật hát bội và võ cổ truyền Bình Định” do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn theo thủ pháp nghệ thuật “ngũ biến” của tuồng cổ, giới thiệu các trích đoạn giới thiệu các vai đào võ, kép võ, tướng võ biểu diễn binh khí với những nét độc đáo riêng.
Ở phần kết chương trình “Bình Định - Hội tụ miền đất võ” là chuỗi liên khúc hát múa thể hiện các nội dung ngợi ca tình đất, tình người Bình Định, ngợi ca ngày hội giao lưu các đoàn võ trong nước và quốc tế, khẳng định và tôn vinh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những kí ức mang theo trong lòng bạn bè quốc tế.
Trong đó, phần tôn vinh võ cổ truyền Bình Định được dàn dựng theo hình thức phức điệu, đan cài giữ võ cổ truyền Bình Định với võ thuật sân khấu hát bội để đoạn cuối tạo thành bức phù điêu những nghĩa quân Tây Sơn tụ hội dưới cờ của Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Trong âm nhạc chuyển đổi màu sắc sinh động trên nền tiết tấu của nhạc võ Tây Sơn, các võ sư, võ sinh của các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế để trình diễn các tinh hoa của môn phái.
Kết thúc chương trình, ca khúc giã bạn được sáng tác mới để biểu diễn lần đầu tiên trong Liên hoan tạo những cảm xúc lưu luyến, vương vấn không muốn rời xa: “Mai xa nhau rồi Bình Định ơi!. Xin đừng vội chia xa. Nán lại cùng ta thăm Bình Định quê em…Hội võ quê tôi đến hẹn lại lên. Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền. Con trai Bình Định học võ Tây Sơn…Bạn về nhớ mãi võ Bình Định quê anh…Võ Tây Sơn, võ Bình Định quê tôi… ”.
Sân khấu bừng sáng pháo bông, pháo hoa, cờ hoa, thành viên các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế rạng ngời nụ cười vẫy tay chào trên sân khấu trên nền bài hát liên hoan vang vọng tiễn bước khán giả ra về trong những cảm xúc sẽ mãi còn đọng lại…
NHÓM PV VĂN HÓA – XÃ HỘI