Sáng mãi màu hoa của Hòa bình - Thống nhất & Văn hóa Việt
Mùa Hòa bình - Thống nhất luôn là mùa giàu xúc cảm nhất đối với tôi, một người đã phải xa cha mẹ để vượt Trường Sơn, và sống 5 năm ở chiến trường Nam Bộ. Biết bao là kỷ niệm với bạn bè, đồng đội. Mùa Hòa bình - Thống nhất với chúng tôi là khát vọng cao nhất trong những năm tháng chiến tranh.
Có một người bạn thân của tôi ở chiến khu miền Đông, sau giải phóng anh và gia đình sang định cư tại Australia. Nhưng không bao giờ anh quên bạn bè ở quê nhà, quên những tháng năm chúng tôi đã đồng cam cộng khổ với nhau. Mới đây, bạn tôi gọi điện về cho tôi, và nói: “ Những năm anh em mình ở Rừng miền Đông là những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình”. Tôi đã khóc khi nghe anh nói vậy. Đúng đó là những năm tuổi thanh xuân đẹp nhất của chúng tôi, “Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (thơ Chế Lan Viên) đi chăng nữa. Chúng tôi đã sống đã dâng hiến và đã chịu đựng cùng với nhân dân với đất nước mình.
Tháng Tư lại về, cứ mỗi năm đều như vậy. Đây là mùa hoa loa kèn trắng muốt từ Hà Nội, từ miền Bắc, là mùa hoa phượng vỹ chuẩn bị thắp lửa đỏ ở miền Nam, hoa của tuổi học trò, của tuổi thành niên, và hoa của ngày Hòa bình - Thống nhất đất nước. Tháng Tư tháng Năm và những màu hoa ấy luôn gợi trong tôi về tuổi thanh xuân của mình: “Lớp tuổi hai mươi ba mươi điệp trùng áo lính/ xanh màu áo lính/ đã từng sung sướng đã từng nghẹn ngào/ được làm con mẹ/ được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt/ những năm/ chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách/ những năm/ một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời” (Những người đi tới biển, Thanh Thảo).
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm “Đề cường về văn hóa Việt Nam”. Ảnh: toquoc.vn
Có những người lính nằm lại giữa Trường Sơn, chiếc áo lính anh mặc vẫn còn mới. Chiếc áo ấy có thể sống lâu hơn một cuộc đời, là vậy. Sáng nay ngồi một mình, tôi chợt nhớ: Ngày chúng tôi ở trong chiến khu rừng rậm, loại lá cây mà chúng tôi thường dùng để lợp nhà trong rừng có tên gọi là lá “trung quân”. Bao nhiêu năm mình cứ quen gọi thế thôi, chả nghĩ nhiều. Bây giờ chợt nhớ, nghĩa của tên lá trung quân, là “trung với vua”. Thời chúng tôi không còn vua, hay mình gọi lá này là “hiếu quốc”. Hiếu với nước, là phẩm chất tối thượng của người Việt. Giành lại độc lập tự do, thống nhất của đất nước mình dưới mái nhà hiếu quốc rõ ràng là một cam kết đanh thép sao!
Năm nay nhuận hai tháng 2 âm lịch, nên ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch) rơi vào ngày 29 tháng Tư dương lịch. Như thế, từ ngày Giỗ Tổ nối tiếp tới ngày 30.4 - ngày Hòa bình - Thống nhất đất nước. Hai ngày thật đẹp với dân tộc Việt Nam vì một mối nhân duyên lại liền mạch với nhau kỳ diệu quá!
Gọi thời mở nước Việt là thời Vua Hùng, thời 18 đời Vua Hùng, đó là một biểu tượng. Ngày đầu lập quốc ấy, Vua là biểu hiện cho Nước, nước có Vua là nước có Độc lập, có chủ quyền. Trải qua mấy nghìn năm, đã bao lần nước Việt bị ngoại bang xâm lăng, dân Việt phải làm nô lệ, nhưng cũng từng ấy lần, dân tộc Việt dưới sự lãnh đạo của một vị vua lại vùng lên giành độc lập cho đất nước này. Người Việt không bao giờ quên điều đó. Dù thời Bắc thuộc kéo dài cả nghìn năm, thì cuối mỗi chặng của hành trình đất nước này, người Việt vẫn giành được độc lập về cho Tổ quốc mình. Ngày Giỗ Tổ hằng năm chính là để tưởng nhớ “các Vua Hùng dựng nước”, và nhớ bao thế hệ từ tổ tiên chúng ta cho tới ngày 30.4.1975 đã vùng lên giữ lấy nước. Ngày Giỗ Tổ thiêng liêng chính là như vậy: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm” (Ca dao)
Những câu ca dao mộc mạc ấy nói lên văn hóa của người Việt, một nền văn hóa phát xuất từ thực tế lao động xây dựng đất nước, từ thực tế chiến đấu chống ngoại xâm để giành độc lập cho đất nước mình. Nhưng văn hóa của người Việt còn là văn hóa dân chủ, văn hóa của những con người tự do, những con người thực hành văn hóa từ máu huyết mình, từ tâm hồn mình.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Bộ Chính trị và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, được Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Muốn giành độc lập cho dân tộc, thời điểm ấy vào năm 1943 đầy gian khó khi chiến tranh thế giới thứ 2 đang nổ ra, khi chủ nghĩa phát xít đang muốn dìm nhân loại vào chết chóc và ngu tối, muốn giành độc lập cho đất nước vào thời điểm ấy thì phải phát huy sức mạnh của nền văn hóa dân tộc, phải thể hiện được không chỉ khát khao giải phóng dân tộc, mà còn mơ ước đưa văn hóa Việt Nam sánh vai với những nền văn hóa văn minh trên thế giới. Không phải sức mạnh kinh tế, không phải sức mạnh vũ trang, mà Đảng ta đã sớm xác định - Phải là văn hóa!
Lấy văn hóa làm nền tảng cho cuộc đấu tranh, lấy phẩm chất Việt Nam đối đầu với những thế lực phát xít và thực dân, lấy văn hóa như “Ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh), lấy tất cả sức mạnh tinh thần ấy để làm bật dậy lòng yêu nước, đó chính là mục đích của bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.
Năm nay, ngày Giỗ Tổ nối tiếp ngay với ngày Hòa bình - Thống nhất lại trùng dịp kỷ niệm 80 năm bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, chúng ta càng thấy chất văn hóa Việt sáng ngời trong chính ngày Giỗ Tổ. Không có nhiều dân tộc trên thế giới có được ngày này, đó là ngày của lòng biết ơn, của những cam kết máu thịt của người Việt đương đại với tổ tiên mình, như căn dặn gan ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Và ngày này cách đây 48 năm, chúng ta kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu, giành về một nước Việt Nam hình chữ S trọn vẹn, là ngày mà màu trắng của cánh chim Hòa bình thực sự hiển hiện trên khắp đất nước này. Chúng ta vừa kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ bằng âm nhạc của mình “Nối vòng tay lớn” với âm hưởng chính là âm hưởng của Hòa bình, của Thống nhất ngay khi chiến tranh còn đang rất dữ dội.
“Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
Cờ nối gió đêm vui nối ngày
Dòng máu nối con tim đồng loại
Dựng tình người trong ngày mới
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nối trên môi”
(Nối vòng tay lớn, Trịnh Công Sơn)
***
Buổi trưa ngày 30.4.1975 ấy, ngay tại Đài Phát thanh Sài Gòn, người Việt Nam đã nghe chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát vang lên Nối vòng tay lớn, bài hát bất hủ về ngày Hòa bình đầu tiên sau 21 năm chiến tranh. Tôi là một người lính đã đi qua cuộc chiến tranh ấy, và tôi hiểu đó chính là chiến thắng của Văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa có từ nghìn năm trước.
THANH THẢO