Những người quản trang tận tụy
Đầu tháng 4 hằng năm, khi những đoàn cựu chiến binh các tỉnh phía Bắc về Bình Định thăm, viếng các nghĩa trang có mộ phần của đồng đội cũ, nhiều quản trang cũng đong đầy cảm xúc. Bởi lẽ, chính họ cũng từng đi qua cuộc chiến, giờ nhận lãnh việc trông nom, nhang khói, coi giữ phần mộ của đồng đội đã ngã xuống.
NGÀY NÀO CŨNG ĐẾN VỚI “ĐỒNG ĐỘI CŨ”
Những năm qua, Bình Định luôn quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ (NTLS); nhờ vậy, hầu hết nghĩa trang đã sáng - xanh - sạch - đẹp. Những hàng bia mộ tôn nghiêm, những ngôi mộ được ốp đá granite có tính thẩm mỹ cao và độ bền theo thời gian. Khuôn viên nghĩa trang trồng nhiều loại cây hoa, qua bàn tay chăm sóc của không ít quản trang tài hoa đã tốt tươi mơn mởn và khoe sắc rực rỡ quanh năm.
Trong số 105 nghĩa trang ghi công liệt sĩ, NTLS Hoài Châu - Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) là một trong những nghĩa trang lớn nhất tỉnh với 1.457 phần mộ. Đây cũng là 1 trong số rất ít nghĩa trang có người quản trang từng tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập của quê hương - ông Nguyễn Văn Phó, 73 tuổi, quê ở xã Hoài Châu Bắc.
Các cựu binh và lãnh đạo Hội CCB xã Hoài Châu Bắc thắp hương tại nhà bia ghi tên liệt sĩ ở NTLS Hoài Châu - Hoài Châu Bắc. Ảnh: K.H
Những ngày qua, cứ tầm 4 giờ rưỡi là ông thức giấc, đến NTLS thắp hương, tưới cây, quét dọn. Nhìn làn khói trắng bay lên từ lư hương bất giác ông buột miệng: “Lĩnh à, No à (liệt sĩ Trần Lĩnh, Trần No, an táng tại nghĩa trang), đã gần 50 năm rồi còn gì”. Ông ngồi nhẩm tính, ngoài hai người bạn thân cùng thôn, cùng tham gia du kích xã này, nghĩa trang còn có mộ của 35 đồng đội khác là người ở địa phương và một số người thân ruột thịt của ông. Đa số mộ còn lại đều là đồng đội từ huyện khác, tỉnh khác đến; nhờ trực chốt chung, chuyện trò đôi lần nên ông nhớ tên một vài người.
Gần 50 năm chiến tranh lùi xa, ông Phó đã có 31 năm làm quản trang ở NTLS này. Ông nhớ, đầu tiên là ông xung phong khi thấy cỏ mọc um tùm, mộ lúc đó xây bằng vôi, người dân cứ thả bò đi rông; chịu không nổi, ông bảo, thôi để ông giữ nghĩa trang. Rồi ông đề xuất xây tường rào, cổng ngõ. Lúc khỏe thì tự nhổ cỏ, quét lá cây; giờ cao tuổi, ông thuê thêm người phụ làm vệ sinh. Các dịp lễ, ông hướng dẫn học sinh, dân quân, cùng các hội, đoàn thể làm sạch nghĩa trang. Năm 2020, nghĩa trang được xây thêm hai nhà lục giác đặt chuông đồng và trống, ông mừng lắm, bởi nơi gặp gỡ của ông với đồng đội nằm xuống đã đẹp đẽ hơn lên.
Cựu binh Nguyễn Văn Phó, quản trang NTLS Hoài Châu - Hoài Châu Bắc thắp hương, nói chuyện với đồng đội đã mất. Ảnh: K.H
31 năm qua, ông bảo mình chưa từng đi chơi dịp lễ kỷ niệm nào, dù có rất nhiều lời mời và cả lời trách móc. “Bởi vào những dịp đó, tôi luôn có hẹn với thân nhân liệt sĩ, với những đoàn cựu binh Sư đoàn 3 Sao Vàng rồi”, ông cho hay.
Vừa dứt lời thì chuông điện thoại ông reo, Hội CCB xã thông tin đang có một cựu binh Sư đoàn 3 Sao Vàng từ tỉnh Thái Bình đến thăm nghĩa trang. Sau một vài giây mang máng, ông Phó cùng cựu binh Mai Trần Thành (đến từ tỉnh Thái Bình) nhận ra nhau. Hai người cựu binh chuyện trò rôm rả, gợi nhớ những trận chiến ác liệt, về đồng đội cũ; rồi họ dắt nhau đi thắp hương viếng đồng đội cũ…
Ông Phó (trái) cùng cựu binh Mai Trần Thành (giữa) đến từ tỉnh Thái Bình nhận ra nhau và chuyện trò rôm rả về một thời tuổi trẻ hào hùng. Ảnh: K.H
VINH DỰ VÀ TỰ HÀO
Thay thế số cựu binh đã cao tuổi như ông Phó, nhiều NTLS chọn quản trang từ những gia đình có truyền thống cách mạng. Ý thức được rằng, những người nằm sâu dưới lòng đất kia đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, mạng sống của mình để đổi lấy cuộc sống bình yên hôm nay, các quản trang luôn nỗ lực để góp phần thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Ở xã Bình Tường (huyện Tây Sơn), anh Nguyễn Minh Lực (SN 1974, người địa phương) từng tham gia lực lượng dân quân cơ động của xã, 10 năm qua nhận lãnh phần việc chăm sóc mộ tại NTLS. Anh nhớ, ngay trong tháng đầu tiên nhận công việc này, xã phát hiện một hố cát có hơn 20 bộ hài cốt liệt sĩ. Vậy là anh cùng lực lượng chức năng tiến hành quy tập, đưa về an táng tại nghĩa trang. Tiếp sau đó là những lần phát hiện khác, lúc 1 - 2, lúc 5 - 7 bộ hài cốt liệt sĩ. Người có tên có tuổi, anh thấy vui; người không xác định được tên tuổi, anh luôn nặng lòng, nhẩm tính cả nghĩa trang hiện có 48 phần mộ chưa xác định danh tính, trong đó có 2 mộ tập thể.
Ngày nào cũng tới lui nghĩa trang mấy lần, anh Lực bảo mình luôn cảm thấy có trách nhiệm với nơi này. Những năm trước, trời mưa, gió lớn, đất cát trên cao chài xuống, anh lấy xẻng hất lên cho kỳ hết. Rồi xã làm tường rào cổng ngõ, ốp đá đen các ngôi mộ. Anh đề xuất xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh. Trong khuôn viên có những cây bàng tỏa bóng mát rượi. Anh dành thời gian làm gọn những đám cỏ tự nhiên, tạo cảnh quan xanh mát ngay phía trước bia ghi tên liệt sĩ.
“Làm công việc này tôi thấy vui, vinh dự và đầy tự hào. Thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn hiệu quả với lớp trẻ. Tôi chỉ có một mong muốn thiết tha là làm thế nào để xác định được danh tính những mộ liệt sĩ chưa rõ tên tuổi”, anh Lực chia sẻ.
KHÁNH HUÂN