Chuyện về tấm vải kaki
Hồi ấy là vào hè năm 1961, khi tôi vừa học xong lớp 5 ở Trường Học sinh miền Nam (HSMN) số 6 Hải Phòng. Trong các năm học, cứ đến kỳ nghỉ hè, tôi được tía má tôi đón về nhà ở Hà Nội nghỉ. Hết hè lại trở về Hải Phòng để học tiếp.
Mùa hè năm ấy tôi cũng được tía má đón về nghỉ ở Hà Nội. Nhà tía má tôi nhỏ gọn, khoảng hai mươi mét vuông, nhưng thường được đón các cô chú đồng hương cùng tập kết ra Bắc đến thăm chơi vào các ngày Chủ nhật hoặc dịp nghỉ lễ.
Một buổi chiều Chủ nhật hè oi bức, khoảng 4 giờ, nhà tôi có một người khách đồng hương, họ hàng gần, tôi gọi bằng anh, anh gọi má tôi bằng cô. Anh tên Lâm Đường. Anh ngồi nói chuyện với má tôi một lúc rồi má tôi đưa anh và tôi ra khỏi nhà, nói là đi chơi.
Tôi lẽo đẽo nắm tay má, cùng anh Đường đi ngược con đường Quán Thánh xuống phía gần chợ Châu Long. Đến một quán phở nhỏ ở ngã tư đường Quán Thánh với Nguyễn Trường Tộ, thì má tôi dừng lại và tất cả cùng ngồi xuống một chiếc bàn nhỏ kê bên hè. Câu chuyện to nhỏ của má tôi và anh Lâm Đường, tôi cũng được ngồi nghe nhưng chỉ hiểu lõm bõm, câu được câu chăng. Trên khuôn mặt hai người lộ vẻ rất nghiêm trọng. Và suốt thời gian nói chuyện với anh Đường, trên mặt má không có một nụ cười, điều mà tôi chưa bao giờ thấy như vậy ở người.
Sau khi ăn phở xong, má tôi và anh Đường lại tiếp tục câu chuyện trong lúc trà nước. Tôi nghe anh Đường hỏi má:
- Cô có miếng vải kaki nào dày dày cho cháu xin một miếng. Anh Đường nói nhỏ nhưng tôi vẫn nghe rất rõ. Anh nói rằng anh rất cần vì chiếc ba lô được phát để đi, phía ngoài đã có hai chiếc túi nhỏ để đựng các vật dụng, nhưng anh vẫn thấy không đủ. Anh muốn may thêm một chiếc túi to hơn ở nắp lưng ba lô.
Má tôi ngỡ ngàng hỏi: May chi nhiều túi vậy, đựng nặng quá làm sao con mang được.
Anh trình bày: Cô ạ, khi tập luyện đi rừng, bọn cháu phải bỏ gạch vào ba lô sao cho được khoảng ba chục cân hoặc hơn để quen sức chịu đựng. Khi thực sự đi vào phải đem theo rất nhiều thứ không chỉ lương thực mà còn vũ khí và nhiều vật dụng thiết yếu khác... Vì vậy cháu cần một miếng vải kaki dày để may thêm trên lưng ba lô một chiếc túi to nữa cho chắc...
Tôi nhìn má. Khi đó tôi nghĩ chắc má đang hình dung về chiếc ba lô của anh Đường đã nặng mà thêm chiếc túi nữa thì làm sao mang được... Ngồi hóng chuyện tôi mang máng hiểu ra và biết anh sắp đi đến một nơi xa lắm mà lúc ấy gọi là “đi B”. Đi về quê, tham gia chiến đấu... Anh Đường cao lớn, rắn chắc, mặc bộ đồ bộ đội màu cỏ úa, trông thật đĩnh đạc. Khuôn mặt anh thật hiền. Mỗi lúc anh cười có một chiếc răng phía trong lóe lên ánh vàng, thấy ngồ ngộ... Một ý nghĩ thoáng trong đầu, tôi liền nói với má: “Má ơi, nhà mình còn tấm vải kaki màu xám, mình lấy cho anh nghen má”. Má nói: “Đó là tiêu chuẩn vải quần của tía, má mới mua, hai năm nay tía toàn mặc đồ cũ ...”
Mỗi lần cầm tấm dù này trên tay là tôi lại nhớ đến câu chuyện được đi ăn phở Hà Nội với anh Lâm Đường và hai thước vải kaki... cùng những câu chuyện cảm động về “ngày Bắc đêm Nam”.
Thời đất nước có chiến tranh, đời sống kinh tế rất khó khăn, mỗi cán bộ nhà nước, một năm được cấp có 4 mét vải phiếu để may một bộ quần áo. Mà mọi người lại còn phải canh cửa hàng mậu dịch, nghe tin có vải bán, là phải nhanh chân xếp hàng rồng rắn mãi mới mua được.
“Vải chưa may, thì mình cho anh Đường nghen má”. Tôi nhanh nhảu nói và tiếp luôn: “Khi anh Đường đi vào Nam rồi, sau này mình có miếng vải khác muốn cho ảnh cũng đâu có ảnh ở đây mà cho được nữa... Mình cho ảnh bây giờ, năm sau có cấp phiếu vải khác mua may cho tía cũng được, nghen má...”.
Anh Đường ngồi đó, có lẽ có đôi chút ngần ngại nên vờ như không nghe tôi nói gì (giờ nhớ lại, chắc lúc đó anh đang rất mừng vì có cô em bé xíu là đồng minh và mình đã tìm đúng nơi đề đạt yêu cầu).
Trong đầu tôi nghĩ gì nói nấy... vậy mà cuối cùng má tôi thấy con mình có lý... Má tôi không phải người hẹp hòi. Vì tôi biết hằng tuần hằng tháng, các chú đồng hương thường đến nhà thăm tía má tôi, có chú nghỉ lại một vài ngày. Tập kết ra Bắc, số người đi cả gia đình không nhiều. Nên ai cũng trân quý tình đồng hương. Nhà có gì là má tôi đãi khách hết, từ gạo ăn cùng các loại thực phẩm khác. Các loại thực phẩm hết thì má tôi xoay xở được, chứ gạo thì phải nói thật là khó kiếm lắm. Nên hễ đến là các anh các chú đều dúi vào tay má tôi tem gạo để mua về nấu cơm. Gạo lúc ấy quý nhất, vậy mới có câu “buồn như mất sổ gạo”.
Về tấm vải, quả má tôi cũng thật khó xử, là vì tía tôi đang rất thiếu đồ mặc đi làm, đồ cũ cứ mặc đi mặc lại mãi, hai năm rồi tía tôi chưa có đồ mới... Ừ, con bé nói có lý quá, Đường nó đi vào Nam rồi, mình có nhiều vải muốn cho nó cũng đâu có cháu ở đó mà cho. Lúc đó lại khổ tâm vì ân hận, thôi... chi bằng...
Về đến nhà, má tôi liền lấy tấm vải kaki hai mét vuông định may quần cho tía, má cắt một nửa đưa cho anh Lâm Đường. Anh nói “Cháu không cần lấy hết cả thước đâu. Cháu chỉ lấy một phần tư thôi... Còn để lại”. Má bảo, cháu cứ cầm đi, nếu không dùng hết thì có ai cần cháu cứ cho họ. Cô giữ lại nửa này để anh em nào cần thì cô có cái cho ngay...
Tối ấy nhà tôi cũng không có gì để chiêu đãi thêm cho anh Đường. Tối chỉ biết pha nước chanh cho tía má và anh uống để tiếp tục câu chuyện. Đêm ấy, tía má tôi với anh Đường nói chuyện rì rầm suốt. Còn tôi tít mắt từ lúc nào chẳng biết... Sáng ra, khi tôi thức giấc thì anh Đường đã đi. Má nói anh phải về đơn vị gấp để chuẩn bị lên đường...
Sau này, lúc tôi về lại Hải Phòng học, miếng vải còn lại má tôi nói đã cho được hai người đồng hương nữa cũng cần như anh Đường. Đó là anh H.T, một cán bộ người dân tộc Bana và chú N.P - cả hai đều đi B trong năm 1962.
Má tôi kể những năm từ 1961 đến 1965, các chú, các anh đồng hương xã tôi đi tập kết ra Bắc đều lần lượt về lại quê hương miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tía tôi và các bác tuổi cao là không được đi...
Sau ngày giải phóng mấy tháng, tía má tôi đã có mặt tại quê nhà. Nhà tôi lại rộn ràng đón các chú bác, anh chị đồng hương đến thăm chơi, nghỉ lại, trò chuyện tâm tình thâu đêm cho thỏa những ngày xa cách “ngày Bắc đêm Nam”...
Trong niềm vui ngày thống nhất đoàn tụ, gia đình chúng tôi cũng có những nỗi vui buồn như nhiều gia đình khác... Tía má tôi đã gặp lại anh Lâm Đường, chú N.P may mắn được trở về với gia đình, tuy cũng có nhiều thương tật trong người khi tham gia chiến đấu... Các bác Thường Minh, chú Lương Gia bị địch bắt giam cầm ở nhà tù Côn Đảo gần hai chục năm, năm 1973 mới được trao trả. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chuyện bị tra tấn, tù đày, kháng chiến gian lao kể không bao giờ hết... Chỉ anh H.T là bặt vô âm tín. Tía má tôi tìm hỏi cũng không nhận được tin anh. Có thể anh đã hy sinh ở chiến trường nào đó rồi... Thật vô cùng thương tâm!
Một lần đến thăm tía má tôi, sau những câu chuyện chiến đấu vui buồn, anh Đường biếu má tôi một tấm vải dù to - kỷ vật chiến trường của anh. Anh nói mùa đông đắp thì ấm, mùa hè đắp lại mát. Về sau má cho lại tôi tấm dù đó. Tôi giữ mãi tấm dù đến giờ để kỷ niệm chứ không dùng, vì mỗi lần cầm tấm dù trên tay là tôi lại nhớ đến câu chuyện được đi ăn phở Hà Nội với anh Lâm Đường và hai thước vải kaki... cùng những câu chuyện cảm động về “ngày Bắc đêm Nam” của những cán bộ miền Nam tập kết... Đó là cả một pho truyện dài... kể mãi không hết về một thời kháng chiến gian nan, nhiều kỷ niệm sâu sắc, đầy ắp tình yêu thương, lòng nhân ái....
BÙI THỊ XUÂN MAI
Tháng 4.2023