Cơ hội mới,động lực mới cho Quy Nhơn
TP Quy Nhơn đang dần phát huy lợi thế của “vùng đất mới” và có thể trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung. Hơn thế, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn khẳng định thành phố còn đứng trước cơ hội, động lực phát triển mới với định hướng đầu tư trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN RIÊNG, CÓ BẢN SẮC
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn NGUYỄN VĂN DŨNG
* Hẳn là ông đang muốn nói đến cơ hội khi TP Quy Nhơn được Bộ Chính trị đưa vào định hướng đầu tư phát triển thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, tại Nghị quyết 26-NQ/TW, thể hiện tầm nhìn và khát vọng của tỉnh?
- TP Quy Nhơn là một trong những đô thị được quan tâm đưa vào Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, TP Quy Nhơn được định hướng phát triển trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng. Sau đó là Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, giao UBND tỉnh Bình Định xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển TP Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng.
Phải khẳng định rằng, đây là cơ hội, động lực cho thành phố, nhưng đồng thời là thách thức để Quy Nhơn xác định nhiệm vụ trọng tâm, những thuận lợi, khó khăn, thách thức, những vận hội mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
* Một cách khách quan, ông đánh giá Quy Nhơn hiện đứng ở đâu trong khu vực?
- Là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Bình Định, Quy Nhơn kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, với các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn riêng của Bình Định và vùng Nam Trung bộ. Đó là nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, võ cổ truyền Bình Định đang được xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hệ thống tháp Chăm. Bên cạnh đó là các làng chài Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Bãi Xép - Ghềnh Ráng… giữ gìn tốt vốn quý văn hóa, trong đó có lễ hội cầu ngư gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh cư dân miền biển, đã tạo cho Quy Nhơn nét quyến rũ rất riêng.
Quy Nhơn mới phát triển mạnh những năm gần đây. Thành phố đang phát huy thêm thế mạnh với công trình Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Tổ hợp không gian khoa học… tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa - đây là trung tâm về khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và trung tâm thứ 2 của Đông Nam Á (sau Singapore), địa chỉ khoa học danh giá của Việt Nam và châu Á, gắn với giữ gìn và phát huy danh hiệu Quy Nhơn - Thành phố du lịch sạch ASEAN.
Phát huy tối đa các lợi thế trong xây dựng thành phố trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Quy Nhơn sẽ có hướng phát triển riêng, có bản sắc!
TP Quy Nhơn xây dựng không gian biển vịnh Quy Nhơn trở thành điểm đến ấn tượng. Ảnh: DŨNG NHÂN
MỞ RỘNG KHÔNG GIAN, XÂY DỰNG TRUNG TÂM TIỂU VÙNG DU LỊCH
* Bối cảnh mới cũng chứa đựng nhiều những thách thức, chưa kể những điểm nghẽn cần giải quyết, để sắp xếp lại không gian phát triển cho thành phố…
- Để định hướng phát triển Quy Nhơn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch khoảng 67.788 ha, bao gồm Quy Nhơn hiện hữu (khoảng 28.553 ha), Tuy Phước (khoảng 21.713 ha); hai xã Canh Vinh và Canh Hiển (Vân Canh) khoảng 13.676 ha; thị trấn Cát Tiến, xã Cát Chánh và một phần xã Cát Hải (Phù Cát) khoảng 3.847 ha. Đồng thời, Nghị quyết 26-NQ/TW định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng sẽ là động lực để Quy Nhơn tiếp tục đà phát triển nhanh, bền vững và có bản sắc.
* “Phải biến vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thành vùng giàu có, giàu bản sắc văn hóa và phải có nhiều đột phá trong đột phá” là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong hội nghị triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW đầu năm nay tại Quy Nhơn. Vậy thành phố chủ động ra sao trong định hướng phát triển này, thưa ông?
- Hiện thành phố đang tập trung xây dựng đề án phát triển Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước hết, từ nay đến năm 2035, Quy Nhơn sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Thành phố thực hiện tái cấu trúc mạng lưới phân bố đô thị, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội chuyển từ kinh tế công nghiệp đa ngành sang kinh tế tri thức sáng tạo, công nghệ cao. Xây dựng đầu mối hạ tầng đô thị hỗ trợ phát triển cảng biển, sân bay, trung tâm logistics...; ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cấp vùng tại thành phố và khu kinh tế Nhơn Hội; trung tâm dịch vụ kho vận gắn với cảng biển, cảng hàng không, trục hành lang kinh tế trọng điểm QL 1, QL 19 và tuyến thương mại liên vùng. Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, xây dựng mới cảng chuyên dùng quy mô lớn Nhơn Hội…
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, xây dựng mới cảng chuyên dùng quy mô lớn Nhơn Hội. Ảnh: Cảng Quy Nhơn
Điểm rất quan trọng là phát triển du lịch, xây dựng Quy Nhơn thành một trong những trung tâm tiểu vùng du lịch thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, trọng tâm là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch trải nghiệm. Khuyến khích và tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch theo quy hoạch các điểm Nhơn Lý - Cát Tiến, Nhơn Châu, Hòn Khô (Nhơn Hải), Hòn Sẹo (Nhơn Lý); phát triển du lịch tuyến ven biển Quy Nhơn - Tam Quan để khai thác tối đa thế mạnh biển, đảo của Quy Nhơn. Trong đó, trung tâm thành phố là khu du lịch trọng điểm của toàn vùng; Phương Mai - Núi Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Thành phố xây dựng không gian biển vịnh Quy Nhơn là điểm đến ấn tượng; cải tạo không gian cảnh quan núi Bà Hỏa thành khu lâm viên giữa lòng đô thị hiện hữu. Xây dựng vùng du lịch cảnh quan sinh thái trọng điểm đầm Thị Nại, bảo tồn hệ sinh thái đầm và đa dạng sinh học cồn Chim; xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy trên vịnh Quy Nhơn, sông Hà Thanh, ven đầm Thị Nại. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử và điểm du lịch nổi tiếng…
* Xin cảm ơn ông!
THU HIỀN