Ðẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha, để cải cách hành chính đạt thành quả, không thể thiếu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Chuyển đổi số góp phần quan trọng cải cách hành chính
Giám đốc Sở TT&TT TRẦN KIM KHA
* Trước tiên, xin ông cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số có vai trò như thế nào đối với cải cách hành chính (CCHC)?
- Có nhiều công cụ đo lường đã ra đời để thực hiện việc đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, ở các lĩnh vực, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số chuyển đổi số (DTI)…
Nếu phân tích một cách kỹ lưỡng, có thể nhận thấy rằng, trong hầu hết các chỉ số nêu trên, dù không có tên gọi thống nhất nhưng đều có bóng dáng của chỉ số về CNTT, của chuyển đổi số với các chỉ số thành phần như “hiện đại hóa hành chính”, “quản trị điện tử”…
Điều này khẳng định, ứng dụng CNTT hay sâu hơn là chuyển đổi số đã trở thành một phần không thể thiếu của công cuộc CCHC.
* Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì tham mưu công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT đánh giá như thế nào về việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Những năm qua, Sở TT&TT nhận thấy đa số các chỉ số thành phần liên quan đến chuyển đổi số ở tỉnh ta ít nhiều đều có cải thiện theo từng năm. Đáng ghi nhận hơn, có một số chỉ số thành phần của tỉnh đứng ở nhóm có thứ hạng cao trong tương quan so sánh với các địa phương trên cả nước.
Qua kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2022, công tác ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử đã được quan tâm, thể hiện qua việc tăng mạnh các chỉ số về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng.
Kết quả ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước; trong công tác CCHC, phục vụ người dân và DN tốt hơn. Tỷ lệ mức “Tốt” ở cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đạt 100% (năm 2021 xếp loại tốt đạt 82%).
* Trong thực hiện chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương, theo ông vai trò “người đứng đầu” ra sao ?
- Trong chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong CCHC nói riêng, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Bộ TT&TT đã nhấn mạnh: “Không có khái niệm ủy quyền trong chuyển đổi số, người lãnh đạo cao nhất phải là người đi đầu, là nhân tố chính trong hoạt động chuyển đổi số”; đồng thời khẳng định “Chuyển đổi số thành hay bại phụ thuộc vào người đứng đầu”.
Với khối lượng nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 đã được Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh thông qua, chúng tôi tin tưởng và hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu ở các sở, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện.
ĐVTN huyện Hoài Ân tham gia tập huấn để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: H.THU
Còn nhiều việc phải làm
* Để ứng dụng CNTT, chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả CCHC thời gian tới, trước tiên cần phải làm gì, thưa ông?
- Cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ thông tin báo cáo trong các cơ quan nhà nước trên tinh thần thay nhiệm vụ “báo cáo” bằng nhiệm vụ “cập nhật dữ liệu”.
Đây là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thể ra quyết định dựa vào dữ liệu; thay thế các báo cáo với các từ ngữ định tính như “phần lớn”, “một số”, “đa số”, “về cơ bản”… Bởi, theo quan điểm của quản trị hiện đại - “không đo đếm được thì không thể quản trị tốt”.
* Thế còn những việc cần thí điểm, đổi mới mang tính đột phá?
- Ngày 5.4.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1027/QĐ-UBND về việc thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 102 thủ tục hành chính (85 thủ tục cấp tỉnh, 17 thủ tục cấp huyện) chỉ tiếp nhận hồ sơ nộp bằng hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia) và từ chối tiếp nhận đối với hồ sơ nộp bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tôi cho rằng, cần thực hiện tốt hoạt động thí điểm này để từng bước làm thay đổi thói quen của người dân, DN về nộp hồ sơ trên môi trường mạng. Đồng thời, để thu hút người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi bằng cách ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ nộp trực tuyến.
* Năm 2023 được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chọn là “Năm dữ liệu số”. Trên địa bàn tỉnh, việc triển khai hưởng ứng về “dữ liệu số” như thế nào, thưa ông?
- Sở TT&TT đã đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong việc hình thành và cập nhật các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý, góp phần cho việc xây dựng và đưa vào hoạt động Kho dữ liệu dùng chung tỉnh Bình Định.
Chi tiết cho nhiệm vụ này, Sở TT&TT đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục quyết liệt yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật dữ liệu của CSDL cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trong CSDL Bình Định “đúng, đủ, sạch, sống” để có thể ra quyết định dựa trên kết quả truy vấn dữ liệu từ CSDL này. Đặc biệt, nghiên cứu cho phép in ấn trực tiếp các giấy tờ liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức từ phần mềm, không cần phải khai báo, ghi chép khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác cán bộ.
* Xin cảm ơn ông!
* Được biết, trong xây dựng “Nền tảng số - Chính phủ số - Dữ liệu số”, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ thực hiện các nền tảng/phần mềm cho các sở, ngành. Ông có thể thông tin tình hình thực hiện nhiệm vụ này?
- Tổng cộng có 30 nền tảng/phần mềm đã, đang được các sở, ngành triển khai để hướng đến ứng dụng hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ, góp phần phát triển KT-XH tỉnh. Như Sở TN&MT thực hiện Hệ thống quản lý đất đai, đến nay đã hoàn thành cài đặt, cấu hình, kết nối, triển khai thử nghiệm ở huyện Tuy Phước; sẽ tiếp tục chuyển đổi dữ liệu, đo đạc, số hóa ở các huyện khác.
Sở GD&ĐT xây dựng Hệ thống quản lý thông tin trường học, đã hoàn thành cài đặt, cấu hình, kết nối thử nghiệm cho TX An Nhơn; sẽ tiếp tục hoàn thành việc kết nối các phần mềm cấp trường, tổ chức đào tạo, sử dụng. Sở Nội vụ với Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đã cài đặt hệ thống, hướng dẫn sử dụng, cập nhật dữ liệu đạt 70%, đồng thời kết nối liên thông với CSDL của Bộ Nội vụ.
Riêng Sở TT&TT đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhiều nền tảng/phần mềm. Đáng chú ý, Hệ thống quản lý công việc đã phát triển phần mềm, cài đặt hệ thống, đang thử nghiệm; thời gian tới sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người dùng, tổ chức đào tạo, sử dụng…
HOÀI THU (Thực hiện)