Khơi nguồn động lực phát triển bền vững
Năm 2023 là tròn 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời. Kế thừa Đề cương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, tỉnh Bình Định chú trọng việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Định theo hướng toàn diện cả về đạo đức, tâm hồn, thể chất đến trí tuệ, năng lực, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY
Tỉnh Bình Định có số lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc với 142 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh lam, thắng cảnh; hệ thống di tích lịch sử - cách mạng được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân.
Cụ Huỳnh Thái Sơn, ở thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Di tích Chùa Bà - Nước Mặn được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2010. Đây là di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với Lễ hội Chùa Bà - cảng thị Nước Mặn có từ cách nay hơn 4 thế kỷ, được người dân địa phương gìn giữ, duy trì tổ chức hằng năm, nên giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư ở địa phương. Người dân ở đây càng tự hào hơn khi Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn vừa được Bộ VH&TT công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, từ đó nâng tầm giá trị, phát huy thêm nét đẹp văn hóa ở địa phương, cũng như của quê hương Bình Định”.
Không chỉ quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh Bình Định còn quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và công tác gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nghệ nhân Hoàng Việt tâm tình: “Đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ ở Bình Định luôn tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa, giá trị văn học, nghệ thuật nhằm bồi đắp, xây dựng những giá trị văn hóa mới, hướng đến ngợi ca công cuộc xây dựng và phát triển đất nước qua các tác phẩm của mình. Tỉnh ta cũng rất quan tâm đến lực lượng nghệ nhân, văn nghệ sĩ mà minh chứng rõ nhất là tỉnh vừa tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân; vinh danh các tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; trao tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu tỉnh Bình Định lần thứ VI (giai đoạn 2016 - 2020), qua đó thể hiện sự trân trọng của tỉnh đối với nghệ nhân, văn nghệ sĩ để họ thêm động lực đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của tỉnh”.
Trên cơ sở xác định văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tỉnh Bình Định đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, qua đó các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng dân cư được giữ gìn và phát huy.
Ông Tôn Long Dũng, trưởng khu phố 1, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Hằng năm, người dân khu phố chúng tôi cùng góp của, góp công tổ chức lễ hội thanh minh cầu quốc thái dân an, tri ân các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, cầu siêu độ cho các vong linh xiêu mồ lạc mả. Đây cũng là nét đẹp văn hóa làng ngày xưa được bà con giữ gìn giữa lòng thành phố, để người dân khu phố thêm sự gắn bó thân tình, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước”.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chú trọng phát triển văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
- Trong ảnh: Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: ĐOAN NGỌC
TẠO ĐỘNG LỰC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ được hình thành, tôi luyện và ngày càng phát triển, có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn; lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh, trên tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, tỉnh ta đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình, đề án về phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tập trung bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo động lực góp phần phát triển KT-XH, xây dựng quê hương Bình Định ngày càng tươi đẹp.
Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định trong thời kỳ hội nhập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH&TT, Hội VHNT tỉnh, cùng với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo điều kiện cho đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đời sống để trao truyền di sản, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng to lớn xây dựng con người, vừa mang tính định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc; tôn vinh các nghệ nhân, văn nghệ sĩ trên cơ sở cống hiến của họ đối với đất nước và địa phương…
ĐOAN NGỌC