Những người nặng lòng với di sản văn hóa quê hương
Với kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, phong phú, những năm qua, tỉnh Bình Định luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Công tác này có sự đóng góp không nhỏ của nhiều nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu nhằm giữ gìn, lan tỏa sức sống di sản.
GIỮ HỒN DI SẢN VĂN HÓA
Nhắc đến bài chòi dân gian, người mộ điệu ở Bình Định sẽ nhớ ngay đến nghệ nhân nhân dân (NNND) Minh Đức (72 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát). Dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng mỗi khi nhận được lời mời đi diễn, không nề hà đường xá xa xôi, “cát xê” cao hay thấp, bà đều hăng hái tham gia. NNND Minh Đức tâm tình: “Bài chòi dân gian đã ngấm sâu vào tim tôi, nó như một phần trong cuộc sống của tôi! Còn sức là tôi còn thực hành và truyền dạy bài chòi cho lớp trẻ. Tôi thật tự hào vì những gì mình làm đã đóng góp vào việc gìn giữ để vốn quý của cha ông mãi được lưu truyền”.
NNND Minh Đức (bìa phải) biểu diễn hô bài chòi dân gian. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NNND Đinh Chương ( làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) không chỉ am hiểu tường tận về cồng chiêng mà còn biểu diễn thuần thục các loại nhạc cụ khác của đồng bào dân tộc Bana như đàn t’rưng, đàn blơng khơng, đàn goong, đàn hơ đong, đinh dút, sáo tà lía, sáo ola. Ngoài ra, ông còn vừa sáng tác kịch, vừa múa hát những làn điệu của dân tộc mình và là một trong số ít người còn có thể hát homon. Ở cái tuổi trên 80, ông vẫn miệt mài thực hành, trao truyền văn hóa dân gian của người Bana Kriem ở Vĩnh Thạnh.
Dù tuổi đã cao nhưng NNND Đinh Chương vẫn miệt mài thực hành, trao truyền văn hóa dân gian của người Bana Kriem ở Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NNND Đinh Chương chia sẻ: “Tôi vẫn luôn trăn trở làm sao để lớp trẻ kế thừa được hết bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì một phần lo kinh tế, phần vì ham thích điện thoại thông minh, tivi hơn nên thanh niên không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống, khi có cuộc thi thì mới tập trung tập luyện đầy đủ. Tôi mong muốn có nhiều lễ hội, cuộc thi, sân chơi hơn để thanh niên có dịp luyện tập, biểu diễn. Còn tôi thì sẵn sàng truyền dạy cho bất cứ ai muốn học”.
Trong đợt Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu NNND, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) vào tháng 9.2022, tỉnh Bình Định có thêm 22 nghệ nhân được phong tặng, trong đó danh hiệu NNND 3 người, NNƯT 19 người. Họ là những người miệt mài cống hiến trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Bình Định.
Đợt phong tặng danh hiệu lần này, nghệ nhân Hoàng Kiều, Trưởng đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây đã được vinh danh NNƯT sau nhiều năm thầm lặng cống hiến truyền dạy nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian. Tròn 40 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống địa phương, NNƯT Hoàng Kiều nắm giữ và trình diễn thành thạo các vai đào, kép chính trong các vở bài chòi, hát bội. NNƯT Hoàng Kiều trải lòng: “Chúng tôi gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian Bình Định bằng tình yêu nghề và cả trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc. Được phong tặng danh hiệu NNƯT tôi thấy cũng ấm lòng! Nhưng cũng trăn trở về loại hình nghệ thuật truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt với nghệ thuật sân khấu hiện đại; ở các đoàn hát bội không chuyên hoạt động lâu nay, nghệ nhân hát bội không chuyên vẫn chưa được hưởng chính sách gì hỗ trợ”.
NNƯT Hoàng Kiều (phía trước) cùng học trò biểu diễn giới thiệu nghệ thuật hát bội tại một trường học ở TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
MIỆT MÀI NGHIÊN CỨU, TRAO TRUYỀN
Bình Định được xem là nơi phát tích bài chòi dân gian. Để nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định nói riêng, Trung Bộ nói chung lan tỏa mạnh mẽ, vươn tầm thế giới và được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cả một quá trình dày công nghiên cứu, đánh giá, lập hồ sơ khoa học của các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu. Trong số đó, phải kể đến nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha.
Nhớ lại những ngày cùng đoàn Việt Nam đến dự phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại TP Jeju, Hàn Quốc vào tháng 12.2017, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha kể: “Khi qua Hàn Quốc, hành lý của tôi chỉ mang vài bộ đồ, còn lại là bộ thẻ bài, trống, mõ, song loan… Qua đến đó, tôi có dịp giới thiệu những làn điệu bài chòi, diễn xướng bài chòi trực tiếp đến với bạn bè quốc tế để họ hiểu hơn về nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định. Tôi thật sự xúc động và không thể nào quên khoảnh khắc chứng kiến UNESCO xướng tên vinh danh nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 7.12.2017”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha (bìa phải) trò chuyện về bảo tồn di sản văn hóa với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (bìa trái) và nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, tại một triển lãm ảnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Với tình yêu bài chòi dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha đã miệt mài, tâm huyết để viết nên cuốn sách Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định - một công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo về bài chòi dân gian không chỉ riêng ở Bình Định, mà còn cả Trung Bộ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha tâm tình: “Nghệ thuật bài chòi dân gian của Bình Định mình độc đáo lắm, mang bản sắc riêng mà không nơi nào có được. Đó là ngoài hội đánh bài chòi còn có sân khấu bài chòi dân gian với các loại hình diễn xướng bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp. Hội bài chòi dân gian là văn hóa làng, nhưng đến nay ta mới chỉ phục dựng được hội bài chòi ở cấp xã, tôi mong rằng nó sẽ được tiếp tục phục dựng mang nét văn hóa làng như ngày xưa cha ông ta sáng tạo nên, cũng như vốn quý loại nghệ thuật diễn xướng bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp sẽ được bảo tồn và trao truyền cho lớp trẻ kế thừa”.
Gần 40 năm công tác gắn bó với ngành văn hóa đến khi nghỉ hưu năm 2019, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang vẫn thầm lặng nghiên cứu, đóng góp trong công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể của Bình Định. Nhiều năm gắn bó với các lĩnh vực bảo tàng, quản lý di tích, quản lý văn hóa, ông có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Bình Định, một vùng đất trầm tích các nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Champa; là vùng đất tọa lạc kinh đô của nhiều triều đại, vùng đất thượng võ, tôn văn của hai vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc và Quang Trung - Nguyễn Huệ… để viết nên những tập sách chia sẻ với bạn đọc về đất và người Bình Định. Đến nay, những tập sách của ông xuất bản được nhiều người biết đến, như: Chữ Quốc ngữ, từ Nước Mặn đến Làng Sông; Một số vấn đề chữ quốc ngữ; Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ; Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh; Bình Định - Đất và Người…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: Khi nghỉ hưu, tôi có thời gian để hoàn thành những công trình của mình mà trước đó còn bỏ ngỏ. Dù đã nghỉ hưu, nhưng việc được lãnh đạo tỉnh, Sở VH&TT tin tưởng thường mời đi khảo sát, đóng góp cho công tác bảo tồn di sản văn hóa của địa phương khiến tôi tìm được niềm vui khi được sống với những gì mình đam mê. Tôi cũng mong rằng công tác bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa Bình Định được thực hiện đồng bộ, tốt hơn nữa trên hành trình đưa di sản văn hóa của quê hương mình phát triển hơn trong tương lai”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN