Ở hai phía Bình Đê
Mỗi năm, những người đàn ông Quảng Ngãi lấy vợ Bình Định một đôi lần vượt Bình Đê về thăm quê vợ. Chính họ là chiếc cầu nối gợi nhớ một thời hai tỉnh có chung một tên. Đèo Bình Đê, con đèo phân định ranh giới hai tỉnh, có thể có những cách phát âm khác nhau: Bình Đơ, hoặc Bình Đê, nhưng Nghĩa Bình hay nghĩa tình thì không nói khác được.
Có người bạn ở Quy Nhơn hỏi tôi và một số người cùng cảnh ngộ rằng làm rể Bình Định có vui không? Tôi trả lời thật lòng chứ không phải để “lấy lòng vợ” rằng làm rể Bình Định không chỉ vui mà là… quá vui. Còn vì sao lại “quá”, tôi sẽ nói ở phần sau. Còn bây giờ, xin được kể lể vài dòng về… cổ tích Nghĩa Bình trước đã.
NGHĨA BÌNH - NGHĨA TÌNH
Nhiều người thắc mắc là tại sao khi nhập tỉnh ở khu vực miền Trung, chỉ riêng Quảng Ngãi và Bình Định thì bị biến âm, thay vì Ngãi thì thành Nghĩa để ghép với Bình Định thành Nghĩa Bình mà không là Ngãi Bình? Thực ra ngãi và nghĩa là hai cách đọc theo lối Hán - Việt của cùng một chữ. Hiện tượng này khá phổ biến trong cách phát âm tiếng Việt, ví dụ như huỳnh và hoàng, nhơn và nhân, hoa và huê…
Phủ Tư Nghĩa thuộc dinh Quảng Nam được đổi thành phủ Quảng Nghĩa từ năm 1602. Danh xưng Quảng Nghĩa xuất hiện từ đấy, song tồn tại một thời gian thì phải đổi thành Quảng Ngãi do kiêng âm tên thụy Nguyễn Phúc Thái (Hoằng Nghĩa Vương hay Nghĩa Vương), con trai Nguyễn Phúc Tần. Lệ kiêng âm trong tên húy và tên thụy được bắt đầu từ trong phủ chúa, sau đó lan ra giới quan lại rồi phổ biến trong dân gian.
Chữ nghĩa biến thành ngãi cũng nằm trong xu hướng này. Thế nhưng khi nhập vào Bình Định thì không lấy chữ Ngãi mà lại về nguyên gốc xa xưa là Nghĩa, đó là một câu hỏi không ai giải thích được ngoại trừ người đặt tên tỉnh lúc ấy. Mấy vị đó nay thành người thiên cổ cả rồi nên chúng ta mặc nhiên chấp nhận vậy. Mà “nghĩa” với “ngãi” cũng như nhau thôi. Trong cuộc sống cần phải lấy nghĩa nhân làm trọng. Nhiều người hay tếu táo đọc trệch tỉnh “Nghĩa Bình” thành tỉnh “nghĩa tình” và kỳ lạ vẫn được chấp nhận như đó là một cái tên chính thức thứ 2 vậy! Chuyện này thì không ai lại… rỗi hơi mà đi giải thích cho nó mất thời giờ, nhiều lắm thì cũng lại là “ờ, cái dân xứ đó nó dẫy đó”.
Thế nhưng khi chia tỉnh ra, một trong những điều khó nuốt nhất là các loại giấy tờ liên quan đến hai chữ Nghĩa Bình. Các loại giấy tờ ấy, bao giờ sau chữ Nghĩa Bình cũng phải thêm chữ “cũ” vào! Riêng mấy ông làm nghệ thuật, nhất là giới nhạc sĩ thì lại khổ theo kiểu khác. Do một vài định kiến cá nhân, có người muốn xóa kỳ sạch, nhưng hai chữ Nghĩa Bình trong ca từ bài hát thì sao xóa được? Chẳng hạn như bài Đi tìm câu hát lý thương nhau của nhạc sĩ Vĩnh An, một người con của đất võ Tây Sơn - Bình Định, có đoạn: “Anh xuống đồng sâu em lại lên ruộng cạn/ Anh đi tìm bạn, bạn còn đi xa/ Như ong tìm hoa, hoa nở phương nào? Để lòng anh mong, để lòng anh nhớ, anh thương em như thế/ Hỡi cô gái Nghĩa Bình”. Có người muốn xóa hai chữ Nghĩa Bình và thay vào hai chữ “nghĩa tình”. Đúng là “nghĩa tình” đấy nhưng hát lên nghe … lãng xẹt. Nó là một phần của lịch sử nên không một ai có thể bôi xóa được. Cũng xin được nói thêm về người nhạc sĩ tài hoa này. Bài hát hay nhất (theo tôi) viết về Quảng Ngãi, tác giả của nó lại là một người Bình Định-nhạc sĩ Vĩnh An với bài “Về lại sông Trà”.
Đèo Bình Đê - con đèo phân định ranh giới giữa 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Ảnh: TXHN
BÁNH HỎI CŨNG VƯỢT BÌNH ĐÊ
Trước năm 1989, có lẽ nhiều người ở Quảng Ngãi không biết loại bánh hỏi là như thế nào, còn bây giờ, chỉ cần gõ từ khóa “bánh hỏi Quảng Ngãi”, bạn sẽ có hàng ngàn kết quả liên quan đến loại bánh này. Vì sao lại có chuyện lạ ấy? Trả lời ngay là mấy bà con dâu Bình Định mang về quê chồng đấy. Đúng ra là mấy bà ấy mang theo nghề làm bánh hỏi về Quảng Ngãi.
Chị Nguyễn Thị Hằng, quê Quy Nhơn lấy ông chồng dân Mộ Đức, Quảng Ngãi. Lúc theo chồng về quê chỉ hai bàn tay trắng cùng một bầy con… 5 đứa. Của hồi môn mẹ chị tặng con gái không có gì ngoài một bộ dụng cụ làm bánh hỏi. Bây giờ, chị Hằng thành “tổng đại lý”, cung cấp phần lớn bánh hỏi cho các quán ăn ở TP Quảng Ngãi. Với tôi, chị Hằng mang cả một góc quê hương theo chồng chứ không chỉ là một loại bánh cụ thể.
“Chiều chiều có đĩa lòng heo/ Có ly rượu gạo có nghèo cũng vui”. Lúc mới chia tỉnh, mấy bác xe thồ ở ngã ba Sơn Tịnh, Quảng Ngãi hay nghêu ngao hai câu ấy. Nhưng kể từ khi bánh hỏi tràn ngập vùng quê này, có hai câu khác đã thay chỗ: “Buổi sáng bánh hỏi lòng heo/ Kèm chai Dung Quất có nghèo cũng vui”. Để làm thay đổi một số “nguyên liệu” trong hai câu ca trên đây, các chị Bình Định làm dâu Quảng Ngãi đã góp công rất lớn.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực cho rằng nghề làm bánh tráng xuất phát từ Bình Định. Họ lý giải rằng, để đảm bảo lương thảo cho các cuộc hành quân thần tốc của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, các mưu sĩ đã mách cho vị tướng của mình là chỉ có bánh tráng mới đáp ứng được yêu cầu “thần tốc” mà quân sĩ không bị đói. Bánh tráng ra đời từ lý do này. Hai người hàng xóm của Bình Định là Phú Yên và Quảng Ngãi bèn gân cổ lên cãi, họ cũng đưa ra đủ lý lẽ để nói bánh tráng xuất phát từ quê của họ. Riêng bánh hỏi thì dân Quảng Ngãi hết cãi về xuất xứ của nó kể từ sau ngày tách tỉnh.
RỂ BÌNH ĐỊNH, RỞ HOÀI ÂN
Mấy đứa con tôi không lạ gì “tiếng” Hoài Ân quê mẹ nó nhưng mỗi lần mấy cha con về quê mẹ nó ăn giỗ, nó lại… cười rung xe khi nghe mấy ông anh con bác ở Ân Tường reo lên: “Cha con ông rở dìa rầu kìa”. (Cha con ông rể về rồi kìa). Lẽ ra tôi không mở ngoặc để “dịch” câu trên ra tiếng phổ thông nhưng tôi biết, bài báo này sẽ “úp” lên mạng, có nhiều người không hiểu câu ấy là nghĩa làm sao nên tôi phải làm cái việc chẳng đặng đừng này.
Ai hỏi tôi lấy vợ ở đâu? Tôi trả lời rằng “tôi làm rể Bình Định”. Nhưng gặp mấy người gốc Bình Định mà hỏi tôi câu ấy, tôi lại phải nói đúng chuẩn: “Tui làm rở Hoài Ân”. Thế đấy, cùng nói về mối quan hệ của một người lấy vợ Bình Định mà khi thì là rể, lúc lại là rở. Vui quá chứ ạ?
Dạo tôi còn làm việc ở Nha Trang, phần lớn đồng nghiệp của tôi là người Phú Yên “đi kinh tế mới” ở thành phố biển. Cứ mỗi lần tụ bạ với nhau, anh Phú Yên nào cũng… giả giọng để trêu ông con rở Bình Định. Hồi đầu tôi rất hay gân cổ lên “bảo vệ” quê vợ bằng cách kể vài câu chuyện vui hoặc hát một câu mà dân Nẫu hay hát: “Khi tôi còn là hạt bụi/ người đã lơn tèo đi xe”. Lên tàu mà lại đi… xe thì chỉ có người Phú Yên mới hát được như vậy! Một anh Bình Định trong bàn, nghe vậy cười vang thay cho lời đính chính: “Quê tui cũng lơn tèo đi xe đó nhen”. Vui quá chứ ạ, xứ Nẫu cả đấy thôi, rất biết cách trêu nhau và tự trào!
Có thể nhiều câu chuyện, vì nở (nể) quê vợ nên bênh chằm chặp dù sai tè le, nhưng riêng chuyện này thì đúng: Người Bình Định luôn hào phóng và “chơi đẹp”. Chả thế mà mỗi lần “gặp mặt báo chí cuối năm”, nếu hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định tổ chức cùng thời gian thì mấy anh phóng viên thường trú các tỉnh ấy dĩ nhiên là chọn Bình Định. “Bình Định zui hơn”. Còn vì sao lại “vui hơn” thì chỉ có các anh phóng viên ấy biết.
Tôi làm rể Bình Định mà cũng vui lây, dù chỉ hiểu lờ mờ.
Làm rể Bình Định nên mới có “nhiều chiện” vui như thế, phỏng ạ?
TRẦN ĐĂNG