Đô thị xanh bên bờ sông Côn
Huyện Tây Sơn đang hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh và có tính đặc trưng cao. Đặc biệt, địa phương đã và đang khai thác lợi thế để quy hoạch tổng thể đô thị hài hòa với môi trường sinh thái, thiết lập các không gian mở, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Côn.
NIỀM VUI CỦA NGƯỜI DÂN
Tây Sơn những ngày tháng 4 nhộn nhịp, tất bật với lũ lượt xe tải chở vật liệu xây dựng ra vào các công trình giao thông trọng điểm.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, huyện đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông khung đô thị, gồm các trục giao thông Đông - Tây và trục giao thông Bắc - Nam kết nối 2 bờ sông Côn như: Nâng cấp, mở rộng tuyến QL 19B; mở rộng đường vào Khu du lịch Hầm Hô; nâng cấp, mở rộng đường ĐH 27; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường ĐH 25; xây dựng mới đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; đường tránh QL 19 phía Nam đô thị Phú Phong; đường Bình Thành - Bình Hòa - Tây Bình; tuyến đường kết nối khu du lịch Hầm Hô - ĐH 25 - QL 19 (Tây Giang) - đoạn 1 từ khu du lịch Hầm hô đến ĐH 25; đường nối từ đường Hùng Vương - Đập dâng Phú Phong - QL 19B…
Có hệ thống giao thông mới, việc kết nối giữa các xã, thị trấn từ miền núi đến đồng bằng ở huyện Tây Sơn dễ dàng hơn, từ đó cơ hội phát triển KT-XH cũng đa dạng hơn. Ông Cao Xuân Cẩn, 74 tuổi, khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong kể: Trước đây, khối Thuận Nghĩa ở phía Bắc sông Côn phát triển khá chậm, nhà cửa thưa thớt, còn phía Nam sầm uất hơn hẳn. Nhờ chính quyền quan tâm xây dựng cầu Hữu Giang và Bình Thành, cầu trên đập dâng Phú Phong nên khối Thuận Nghĩa thay đổi nhanh chóng. Đường sá rộng mở, thảm nhựa, bê tông khang trang. Chúng tôi dạo bộ, tập thể dục dọc hai bên bờ kè sông Côn, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm cảnh và mơ về những khu đô thị mới, tinh thần thoải mái, tin tưởng vào quê hương thay đổi giàu đẹp.
Một góc đô thị Tây Sơn bên dòng sông Côn. Ảnh: DŨNG NHÂN
Vừa tiếp nhận thông tin làm đường, người dân Tây Sơn còn đang râm ran vui thì huyện đã công bố quy hoạch đô thị theo hướng đẩy mạnh phát triển du lịch. Theo đó, nhiều khu dân cư mọc lên dọc hai bên bờ sông Côn; phía Bắc hình thành khu du lịch cộng đồng Thuận Nghĩa, khu biệt thự, khu nhà vườn Phú Lạc ở khối Hòa Lạc; phía Nam có khu du lịch Đập Vân Phong và một số khu đô thị mới đã được quy hoạch.
Khi nghe ông Cẩn cũng như nhiều người dân thảo luận với nhau về diện mạo một thị xã bên bờ sông Côn, tôi không khỏi ngạc nhiên. Thấy vậy ông cười: Đọc báo, nghe đài và theo dõi các thông tin huyện tuyên truyền là biết thôi. Những đảng viên như tôi nắm bắt, hiểu rõ, giáo dục con cháu trong gia đình ủng hộ các dự án và đóng góp phần nhỏ trong việc giữ gìn đô thị xanh, sạch, đẹp.
ĐÔ THỊ HÓA ĐỂ THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN
Để cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035, UBND huyện xác định các nội dung công việc, danh mục các dự án ưu tiên và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng khung kết nối trên địa bàn để đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024 và sớm đạt các tiêu chí thành lập thị xã.
Trong 2 năm 2022 - 2023, UBND huyện nỗ lực hoàn thiện và phê duyệt 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các khu đô thị: Phú Hòa, Phú An, Bình Hòa, Bình Thành, Bình Tường, Tây Bình, Bắc Sông Côn, Hòa Lạc và điều chỉnh quy hoạch chung xã Tây Giang theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V. UBND huyện còn lập quy hoạch khu trung tâm TDTT của đô thị và các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; nâng cấp chợ Phú Phong; xây dựng chợ đầu mối của đô thị; thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ cấp đô thị tạo nên công trình điểm nhấn tại các khu dân cư, đô thị mới ở thị trấn Phú Phong và 6 xã dự kiến thành phường (Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Nghi, Bình Thành, Bình Hòa).
Hiện nay, UBND huyện đang kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hệ thống các công trình dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch. Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Quỹ đất hai bên bờ sông Côn không chỉ được quy hoạch dành cho khu đô thị mà còn để thực hiện các khu du lịch cộng đồng, công viên... Trong năm 2023, UBND huyện phối hợp đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ tại các di tích văn hóa - lịch sử. Triển khai quy hoạch chi tiết chỉnh trang khu vực tháp Dương Long, làng rau VietGAP Thuận Nghĩa và kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch. Phối hợp triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong.
Tây Sơn xác định đô thị hóa là yếu tố khách quan, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung quán triệt nghiêm túc chủ trương, nghị quyết của Đảng; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; chú trọng công tác quy hoạch, quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng đô thị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.
Xây dựng Tây Sơn trở thành đô thị xanh, có bản sắc riêng
Với tinh thần của một miền quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng, với sức vóc của một địa phương giàu tiềm năng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Sơn sẽ đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm gặt hái nhiều thành quảhơn nữa. Huyện ủy chú trọng công tác xây dựng Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; quan tâm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; kịp thời giải quyết các bức xúc của người dân ngay từ cơ sở. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Tây Sơn trở thành đô thị xanh, có bản sắc riêng.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn LÊ BÌNH THANH
HẢI YẾN