Cống hiến sức trẻ, làm đẹp cho đời
Phát huy tinh thần trách nhiệm, sống nhân ái vì cộng đồng, có nhiều ý tưởng sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn; 10 gương mặt trẻ được Tỉnh đoàn trao tặng giải thưởng và vinh danh Gương mặt trẻ tỉnh Bình Định tiêu biểu năm 2022 dưới đây, đã và đang lan tỏa tinh thần cống hiến sức trẻ làm đẹp cho đời.
Liên đội trưởng gương mẫu, sáng tạo
Em Trần Giáp Phương Linh (SN 2008, lớp 9A5, Liên đội trưởng Trường THCS Ngô Mây, TP Quy Nhơn) luôn được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Trong 9 năm học qua, Linh đều đạt học sinh giỏi. Em còn luôn sẵn sàng động viên, giúp đỡ các bạn cùng học tập tốt bằng cách giúp bạn giải bài tập, kiểm tra bài cũ. Là Liên đội trưởng, Linh luôn gương mẫu đi đầu và sáng tạo trong các hoạt động Đội. Tích cực chia sẻ những kiến thức lịch sử giúp các bạn hiểu và tự hào về truyền thống của quê hương, của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Với sự nỗ lực của mình, Linh đã được tặng nhiều bằng khen, giấy chứng nhận Chỉ huy Đội giỏi; được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Kim Đồng năm học 2021 - 2022…
Đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện, nhưng Linh không tự bằng lòng với bản thân. “Em sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực trau dồi kiến thức, học giỏi hơn nữa và học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống để sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, Linh cho biết.
Nữ doanh nhân trẻ giàu lòng nhân ái
Là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Thị Nại (TP Quy Nhơn), chị Lâm Ánh Vy (SN 1989) luôn năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Chị Vy cho biết, những việc làm của mình đều xuất phát từ lòng thiện lương, với quan điểm “sức của mình đến đâu làm từ thiện đến đấy”. Sau gần 8 năm miệt mài trên thương trường, chị luôn gắn chặt công việc kinh doanh với các hoạt động an sinh xã hội.
Những năm qua, chị Vy luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh phát động. Chị và Công ty đã hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, tặng 13 con bò giống, quà cho người dân tại làng 6, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh); nhận đỡ đầu các em mồ côi do Covid-19...
Ngoài hoạt động thiện nguyện xã hội, chị Vy còn thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; đồng hành với Tỉnh đoàn triển khai các chương trình đào tạo năng lực, trình độ chuyện môn cho ĐVTN, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp...
Học giỏi, đam mê tiếng Anh
Học giỏi đều các môn, đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, Đỗ Như Ý (SN 2005, lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn) có niềm đam mê đặc biệt với tiếng Anh. Em là niềm tự hào của nhà trường và gia đình khi đoạt giải nhì Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia môn tiếng Anh; là 1 trong 15 học sinh đại diện cho Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản mời tham gia chương trình giao lưu thanh niên về KH&CN (SAKURA) tại Nhật Bản năm 2022.
Với Như Ý, học tiếng Anh trở thành niềm đam mê vì luôn được tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, bổ ích. “Em không phải là người chăm chỉ, nhưng niềm đam mê đã tạo nên sự chăm chỉ. Để giỏi tiếng Anh, em thường dành nhiều thời gian nghe và nói để cải thiện hai kỹ năng khó nhất; hay xem phim và nghe nhạc không cần phụ đề để trau dồi kỹ năng phản xạ ngoại ngữ”, Ý chia sẻ.
Như Ý còn là gương mặt quen thuộc của Hội nghị mô phỏng LHQ (MUN) từ năm học lớp 9; tham gia nhiều cuộc thi về kinh tế, KH&CN như: International Blockchain Olympiad; Vietnam Economic Olympiad; IE Spain Business Competition…
Không chỉ học giỏi, Ý còn tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn trường tổ chức; là người truyền cảm hứng cho các bạn học tốt môn tiếng Anh và những môn học khác. Nói về dự định trong tương lai, Ý cho biết: “Ước mơ của em là trở thành một bác sĩ giỏi để có điều kiện chăm lo sức khỏe cho những người khó khăn, yếu thế trong xã hội”.
Ứng dụng KHCN phát triển nông, thủy sản
Ở độ tuổi 35, anh Lê Hồng Linh (Phụ trách Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN, Bí thư Chi đoàn Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN) đã làm chủ nhiệm thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh. Cụ thể là đề tài Nghiên cứu các điều kiện tối ưu để sản xuất sinh khối một số chủng Bacillus và thử nghiệm sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Bình Định; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae sản xuất chế phẩm sinh học - probiotic phòng ngừa bệnh đốm trắng trong nuôi tôm ở Bình Định. Các đề tài này đã được ứng dụng vào thực tiễn và đạt nhiều kết quả khả quan.
Anh Linh đang triển khai đề tài Nghiên cứu chế tạo chế phẩm Oligochitosan khối lượng phân tử thấp từ vỏ tôm. Thành công của đề tài hứa hẹn sẽ chế tạo được chế phẩm sinh học có khả năng kích kháng bệnh trên cây trồng, góp phần nâng cao chất lượng và an toàn nông phẩm, giảm sử dụng các chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, an toàn với môi trường và thân thiện với ngưởi sử dụng; mặt khác, sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường cho ngành chế biến thủy sản.
Anh Linh cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề tài mới; nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn. Tôi sẽ kết nối với các nhà khoa học trẻ trong và ngoài tỉnh để cùng tham gia những công trình nghiên cứu hữu ích hơn, phục vụ sự phát triển KT-XH chung của tỉnh”.
Giữ trọn tình yêu với thơ
Anh Trương Công Tưởng (SN 1990, hội viên Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT Bình Định) có đam mê sáng tác thơ từ thời học sinh. Anh được Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn là đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX, năm 2016 tại TP Hà Nội và lần thứ X, năm 2022 tại TP Đà Nẵng.
Anh đã xuất bản hai tập thơ (“Ngồi gỡ tơ trời”; “Đợi những vắng xa”), đều được độc giả đón nhận rất tích cực. Anh được giới chuyên môn đánh giá là nhà thơ giàu nội lực, có bản sắc riêng, có thế mạnh về cảm xúc, sâu lắng, gợi nhiều liên tưởng. Chủ đề quen thuộc trong thơ của anh là tình yêu, con người, quê hương. Bằng lối viết tự nhiên, gần gũi, ngôn ngữ và hình ảnh trong thơ Tưởng gây xúc động và mở ra cho độc giả nhiều suy nghĩ.
Anh Tưởng bộc bạch: “Quê hương luôn mang tới cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt. Thời gian tới, tôi sẽ sáng tác thêm nhiều tác phẩm về quê hương, đất nước, nhất là về quê hương Bình Định, giới thiệu cho nhiều người biết đến mảnh đất, con người Bình Định giàu bản sắc văn hóa, giàu truyền thống, mến khách và có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn”.
Thanh niên hết lòng vì cộng đồng, xã hội
Với tấm lòng nhân ái, anh Phan Văn Nhật (SN 1995, Bí thư Chi đoàn thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) có nhiều việc thiện ý nghĩa, thiết thực chia sẻ khó khăn với người nghèo.
Tùy theo đối tượng cụ thể, anh Nhật có cách thức hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Với thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, anh vận động các cấp chính quyền và nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất, tạo mọi điều kiện để các em được đến trường. Giúp người nghèo không nơi nương tựa, anh và các ĐVTN trong Chi đoàn thay phiên đến thăm hỏi, hỗ trợ các suất quà, nhu yếu phẩm. Các trường hợp cần sửa chữa nhà, anh tập hợp thanh niên đến trực tiếp làm giúp. Ai thiếu cây, con giống sản xuất, anh vận động mọi người chung tay hỗ trợ…
Nhiệt huyết, trách nhiệm, gương mẫu trong cuộc sống và biết cách “tiếp lửa” cho thanh niên, các chương trình thiện nguyện do anh Nhật đề xuất, tổ chức đều được ĐVTN hưởng ứng tích cực và thực hiện hiệu quả. Anh còn tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và phục dựng thành công Đội Bả trạo truyền thống của địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Chàng sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học
Bùi Đức Ái (SN 1998, sinh viên năm 4, ngành Sư phạm Hóa, khoa Sư phạm, Trường ĐH Quy Nhơn) là điển hình trong phong trào sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Ái cho hay, đến với nghiên cứu khoa học là một cái duyên; bởi, trước đây, Ái học ngành Công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP Hồ Chí Minh); song, vì học trái ngành, Ái cảm thấy không có động lực nên thôi học. Sau đó, Ái nộp đơn và được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Hóa (khoa Sư phạm, Trường ĐH Quy Nhơn).
Năm 2020, Ái được giảng viên của khoa hướng dẫn nghiên cứu khoa học với đề tài “Nghiên cứu tổng hợp các hệ vật liệu điện sắc hữu cơ định hướng làm màng thông minh” thuộc lĩnh vực Công nghệ Hóa - Dược và đoạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 23, năm 2021. Kể từ đó, Ái đam mê với những công trình nghiên cứu khác và đạt được những thành tựu nhất định.
Theo Ái, học Hóa học khó nhất là các môn chuyên ngành, như: Hóa hữu cơ; hóa phân tích; hoá lý; hoá vô cơ… Để vượt qua các môn học này và đạt được điểm cao, ngoài thời gian đến lớp, Ái thường xuyên lên thư viện tham khảo sách, lên mạng tìm những bài tập, dạng đề khác để nghiên cứu. Nhờ đó, trong 4 năm học Ái đều đạt điểm xuất sắc khi tổng kết các môn học.
Là Bí thư Chi đoàn, Ái còn tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động do Đoàn trường tổ chức. Đồng thời, bạn và Ban chấp hành Chi đoàn còn triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa để các sinh viên khác có điều kiện vui chơi, rèn luyện và hoàn thiện bản thân.
Chiến sĩ quân hàm xanh xung kích vì bình yên biên giới
Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với cương vị là Bí thư Chi đoàn, trung úy Lê Công Bằng (SN 1993, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, BĐBP tỉnh) luôn tiên phong, xung kích đảm nhận các phần việc khó.
Thời gian qua, trung úy Bằng và Ban Chấp hành Chi đoàn đã tham mưu cho Ban Chỉ huy đơn vị tổ chức triển khai nhiều hoạt động sát với điều kiện và tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương, như: Phối hợp với UBND 9 phường, xã có biên giới biển tổ chức tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho 1.500 cán bộ, nhân dân; triển khai tuyên truyền cho 230 phương tiện/1.350 ngư dân đánh bắt thủy, hải sản trên biển về các quy định trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Mặt khác, anh và Chi đoàn còn thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức trao gần 350 suất quà cho người dân, học sinh nghèo vào các dịp lễ, Tết; phối hợp với Đoàn phường Trần Phú bóc, gỡ quảng cáo dán sai quy định, vẽ 30 bức bích họa; trồng 100 cây xanh, xây dựng mới 5 bồn hoa; đỡ đầu 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Với những thành tích đạt được, năm 2022, anh Bằng được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; được Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn tặng nhiều bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi…
Góp phần bảo tồn, phát huy võ cổ truyền
Võ cổ truyền như một cái duyên đối với Nguyễn Quốc Sỹ (SN 1989, VĐV đội tuyển Võ cổ truyền, Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định, Sở VH&TT). Anh Sỹ chia sẻ, lúc còn nhỏ, vì sức khỏe không tốt, ba mẹ định hướng cho anh học võ cổ truyền. Sau thời gian đi học, được thầy truyền dạy cho bài Lão mai quyền, càng học anh càng đam mê võ.
Năm 2004, vì có năng khiếu, anh được tuyển thẳng vào Đội năng khiếu võ cổ truyền; cùng năm, anh được cử đi thi đấu giải trẻ môn võ cổ truyền toàn quốc, với nội dung thi đấu đối luyện, đoạt 2 HCĐ.
“Lần đầu tiên được giải tại một sân chơi lớn, tuy thành tích không cao, nhưng tôi tự nhủ mình phải chăm chỉ tập luyện nhiều hơn để có thể chinh phục được những thành tích cao hơn”, anh Sỹ nói.
Bằng sự nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ, anh được Trung tâm cử đi thi đấu tại nhiều đấu trường lớn và đoạt nhiều thành tích cao, như: HCV nội dung Lão mai quyền và Siêu xung thiên tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022; HCV nội dung Lão mai quyền nam tại giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc năm 2019 và 2020…
Anh Sỹ đang mở lớp dạy võ cho các thanh thiếu niên nhằm bồi dưỡng, tìm những “hạt giống” mới bổ sung vào lực lượng võ cổ truyền, góp phần bảo tồn tốt hơn môn võ này.
Cán bộ trẻ năng động, trách nhiệm
Trung úy Nguyễn Chu Khánh (SN 1996, Phó Bí thư Chi đoàn, Trợ lý quân nhu Trung đoàn Bộ binh 739, Bộ CHQS tỉnh) là cán bộ trẻ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đạt nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Thời gian qua, anh Khánh cùng Ban Chấp hành Chi đoàn triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa gắn với tuyên truyền, giáo dục ĐVTN, chiến sĩ về ý nghĩa các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, anh Khánh và Chi đoàn còn tham mưu cho Ban Chỉ huy đơn vị thực hiện hiệu quả các mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”; “Nuôi heo đất vì tình nghĩa biên giới, hải đảo”; tiết kiệm xây dựng Ngôi nhà 100 đồng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới”.
Là cán bộ trợ lý quân nhu, anh Khánh luôn bảo đảm tốt công tác hậu cần cho chiến sĩ mới. Thường xuyên tham mưu cho Ban Chỉ huy đơn vị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại danh mục mua, xuất, nhập, cấp phát liên quan tới chế độ, tiêu chuẩn của quân nhân; bảo đảm tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống bộ đội.
CHƯƠNG HIẾU