Hạnh phúc khi chiến thắng chính mình
Về nhì vòng thi quý II Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, dù không thể tham dự chung kết năm và mang cầu truyền hình về với Bình Định, song Đặng Hoài Bảo (SN 2006, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), học sinh lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, chia sẻ, Olympia là một trải nghiệm đáng nhớ và em hạnh phúc khi chiến thắng chính mình.
“Lên thác, xuống ghềnh”
Vòng thi quý II Đường lên đỉnh Olympia mang đến rất nhiều cảm xúc, gay cấn từng phút và liên tục thay đổi vị trí dẫn đầu đường đua giữa Đặng Hoài Bảo và Nguyễn Minh Triết (Trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế). Đến phút cuối, về đích 290 điểm, Minh Triết mang vòng nguyệt quế và cầu truyền hình về Thừa Thiên Huế; còn Hoài Bảo về nhì 220 điểm.
Dõi theo vòng thi quý đầu tháng 4 này, người xem cũng không khỏi căng thẳng bởi vòng thi đầy kịch tính, còn Bảo…
- Trong vòng thi quý, điểm rõ ràng nhất là em và 3 bạn cùng leo núi phải tranh từng điểm. Ngay phần thi đầu tiên, Minh Triết đã là người chiếm hẳn ưu thế khi cách em đến 70 điểm, buộc em phải vào thế phòng thủ để sang các phần thi sau. Đến phần thi tăng tốc, cả hai đều phải tập trung cực kỳ cao độ, và tất nhiên mọi điểm số đều đáng quý, cho đến phần thi về đích, sự căng thẳng và kịch tính càng lớn khi cục diện dần đi đến hồi kết với câu hỏi quyết định trong lượt của bạn Khôi Nguyên…
Nói về căng thẳng thì có rất nhiều, nhưng đặc biệt nhất là khi em giải được câu hỏi ở phần thi Vượt chướng ngại vật: “Thiếu nữ bên hoa huệ”, dù rằng Minh Triết cũng đã đoán ra và lúc đó gần như đã sẵn sàng để đoán chướng ngại vật. Phải nói rằng đó là một cung bậc cảm xúc “lên thác xuống ghềnh”, nhưng đây cũng là một dịp để em được trải nghiệm với các bạn, cạnh tranh với người tài năng và giỏi hơn mình.
Hẳn với Olympia, em có nhiều điều đáng nhớ…
- Nói về đáng nhớ thì có rất nhiều, cả ở kỳ thi tuần, tháng, quý, em đều gặp được nhiều bạn mới, học hỏi thêm nhiều điều, trau dồi thêm kinh nghiệm và được gặp chị Khánh Vy - một trong những thần tượng của em.
Điều đáng tiếc là do chủ quan trong một số giây phút em phải trả giá, tiếc nhất là đã không mang được cầu truyền hình Olympia về với quê hương. Em rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, đó là phải luôn tập trung cao độ, tuyệt đối không chủ quan trong bất kỳ tình huống nào.
Không chiến thắng nào không trải qua gian khổ!
Bác Hồ kính yêu có bài thơ Đi đường: “Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Em rất thích bài thơ giản dị mà hàm súc vô cùng này. Chính vì vậy với em, không một hành trình, một chiến công nào mà không qua gian khổ, Bảo chia sẻ.
Đặng Hoài Bảo (giữa) cùng các thành viên CLB Olympia mang tên LEO do Bảo thành lập ngày 18.4.2023. Ảnh: NVCC
Đó phải chăng là chặng đường để Bảo đến “đỉnh Olympia”?
- Hành trình chinh phục đỉnh Olympia của em bắt đầu từ 10 năm trước khi chỉ coi chương trình và luyện tập trả lời các câu hỏi trên truyền hình. Sau đó đến năm lớp 6, trong một lần ra Văn miếu Quốc Tử giám tại Hà Nội, em đã tìm thấy lịch sử văn hiến và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, cũng như những kiến thức to lớn, thành tích vĩ đại của cha ông, và từ đó một niềm đam mê cháy lên trong mình. Năm lớp 9 thì em bắt đầu tham gia các trận đấu luyện tập và thi đấu trên nhiều nền tảng khác nhau để tăng kiến thức cho mình. Đến năm lớp 11 thì em được anh Tấn An, thí sinh Olympia mùa 21 của trường, hỗ trợ và hướng dẫn rất nhiều.
Mục tiêu kế tiếp của em là gì?
- Trước mắt là chinh phục cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Như em đã nói tại trường quay S14, Olympia là một hành trình mà em đến với cả đam mê. Chính vì vậy, em sẽ không biến nó là áp lực mà phải là động lực để chinh phục những đỉnh cao mới, trong đó có mục tiêu học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12, thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và chặng tiếp theo vào đại học.
Ngoài ra, hiện em cùng với một số bạn trong trường thành lập CLB Olympia mang tên LEO với khát khao tìm kiếm thế hệ đầy tiềm năng và sức trẻ cho sân chơi trí tuệ này.
Đam mê đọc sách
Nỗ lực học tập nhưng Đặng Hoài Bảo vẫn biết cách cân bằng cuộc sống khi tham gia hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao, đặc biệt mê đọc sách về khoa học xã hội, tự nhiên, lịch sử và xem những chương trình giải trí thiên về trí tuệ để “làm cho cuộc sống của mình nhiều màu sắc”.
Học khối tự nhiên, Bảo cũng rất giỏi các môn xã hội, hẳn điều đó có được là nhờ em đã đọc nhiều sách?
- Với em, kiến thức chỉ có được khi chắt lọc và được nhìn nhận bằng sự thấu hiểu, nếu chỉ đọc rập khuôn thì đó chẳng qua chỉ là một hình thức khác của việc học vẹt. Chính vì vậy, em luôn cho rằng các môn xã hội là môn khoa học cực kỳ phức tạp và có sự thú vị, hấp dẫn với nhiều tính chất để tìm hiểu.
Ngoài học trên trường, Bảo còn luyện thi học sinh giỏi, học thêm tiếng Pháp...
- Về việc học thêm và luyện học sinh giỏi, tất cả đều là mong muốn của em. Tuy nhiên, em không ôm đồm mà học theo từng giai đoạn. Học tiếng Pháp là sở thích của em. Năm lớp 8, khi em tham gia kỳ thi học sinh giỏi vượt cấp lớp 9 môn tiếng Anh và được vào đội tuyển huyện, các anh chị có bảo nghe tiếng Anh của em hơi lệch tiếng Pháp. Thế là em thử tìm sách, đọc thêm tài liệu và lên mạng bắt đầu học tiếng Pháp, sau này có hỗ trợ của một vài bạn trong TP Hồ Chí Minh. Sau này có khả năng em sẽ chọn Pháp hoặc Anh để du học.
Cảm ơn Bảo và chúc em tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên chặng đường sắp tới!
MAI HOÀNG (Thực hiện)