“Không gì là không thể”
Hội nghị gia đình phạm nhân tiêu biểu thường niên năm 2014 do Trại giam Kim Sơn (thuộc Bộ CA, đóng ở xã Ân Nghĩa, Hoài Ân) tổ chức vào ngày 30.7 vừa qua diễn ra trong bầu không khí thân mật. Đại tá Thân Hùng Hạnh, Giám thị Trại giam Kim Sơn nói, đây là cách thiết thực để Trại giam và gia đình động viên các phạm nhân phấn đấu, an tâm chấp hành án phạt tù tốt, sớm trở về cộng đồng.
Từ những mặc cảm
Lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị với tư cách là người thân của phạm nhân cải tạo tiến bộ, cha của phạm nhân Mai Xuân Tuyển (Phước Thuận, huyện Tuy Phước) rất chăm chú khi nghe Trại giam Kim Sơn thông báo kết quả chấp hành án phạt tù của các phạm nhân. Nghe rồi, ông không nén nổi tiếng thở dài: “Thằng út chịu án 5 năm, đi được 2 năm rưỡi rồi. Ngày nó gây ra chuyện là lúc mới nhập học lớp 11 đúng 3 ngày. Nay mai khi nó ra tù, ngay cái chuyện đi kiếm việc làm cũng mệt. Liệu có ai dám nhận nó vào làm việc nữa không khi nhìn thấy lý lịch của nó, nói gì đến chuyện học hành…”.
Tuyển là đồng phạm nhỏ tuổi nhất trong vụ án giết người tập thể xảy ra tại xã Phước Thuận năm 2011. Chỉ vì mâu thuẫn không đâu, cả nhóm cầm phảng phát lúa đi kiếm người trả thù, để rồi chém chết một người không hề gây hấn với cả bọn. Lúc đó, Tuyển chưa đầy 16 tuổi.
Nói về tương lai của con sau khi mãn hạn tù, bà Nguyễn Thị Bông (Quy Nhơn), mẹ của một nữ phạm nhân đang thụ án, rưng rưng: “Nhiều đêm tôi không ngủ được khi nghĩ đến con, không biết nó sẽ làm gì. Hoàn lương thực sự hay lại vướng vào những thói hư tật xấu khác nữa”. Trong thời gian ôn thi lại đại học (ĐH), con gái của bà đã cùng với người yêu cướp giật tài sản lấy tiền tiêu xài.
Không chỉ gia đình, người thân mà ngay cả nhiều phạm nhân cũng mang mặc cảm vì trót mang một lý lịch không trong sạch. Phạm nhân Phan Đỗ Ngọc Đức (Quy Nhơn) tâm sự: “Tôi bị án 17 năm, nếu cải tạo tốt thì vài năm nữa tôi mới được đặc xá tha tù. Tôi cũng nghĩ rất nhiều đến tương lai của mình sau này, vừa mừng lại vừa sợ”.
Đến “không gì là không thể”
Đó là lời khẳng định của anh Khởi Nguyên(*), 30 tuổi, khi được mời lên phát biểu tại Hội nghị. Anh Nguyên nói với cha của phạm nhân Mai Xuân Tuyển: “Hồi nãy cháu tình cờ nghe chú nói về chuyện học hành, việc làm của em Tuyển sau này, thấy quá bi quan và tương lai mờ mịt. Nhưng cháu xin thưa với chú, không có gì là không thể nếu như bản thân em ấy có quyết tâm và nghị lực để làm lại cuộc đời, gia đình cho em ấy niềm tin để vươn tới tương lai tốt đẹp hơn”.
“Có trường hợp một phạm nhân vi phạm nội quy trại, bị phạt nhiều lần đến mức anh ta nghĩ rằng không bao giờ có thể được giảm án. Được sự động viên, khích lệ của cán bộ quản giáo, anh ta đã thử phấn đấu. Khi thấy tên mình có trong danh sách được giảm án, anh ta không tin nên hỏi lại tôi. Tôi chỉ cười, ra hiệu bàn tay đưa cao - thấp và nói: Cuộc đời giống như thế này. Nếu anh muốn nó lên thì phải phấn đấu, còn nếu muốn buông xuôi, thụt lùi thì mãi mãi nó sẽ chỉ như thế này thôi. Tất cả phụ thuộc vào ở anh đó. Vậy là, từ mức phấn đấu được xét giảm án 1 tháng, anh ta đã tiến tới được giảm 3 tháng, rồi 6 tháng”.
Trung tá Lê Quốc Sự, Đội trưởng Đội Quản giáo, Trại giam Kim Sơn
Con đường anh Nguyên chọn đang chứng minh cho những điều anh nói. Sau 10 năm chấp hành án phạt tù, anh Nguyên trở về nhà với quyết tâm làm lại cuộc đời: Ban ngày đi làm thuê, ban đêm đi học bổ túc, và vừa thi đậu ĐH với tổng điểm 21. “Ban đầu cũng có nhiều người khuyên tôi nên kiếm việc gì đó mà làm, không nên mạo hiểm thi ĐH, nhưng tôi đã thi và được từng ấy điểm. Dù gia đình khó khăn, tôi vẫn sẽ cố gắng thu xếp để theo học ĐH, không phụ lòng tin của những người đã dành cho mình”, anh Nguyên chia sẻ dự định với mọi người. Nhân dịp này, Trại giam Kim Sơn đã hỗ trợ anh 2 triệu đồng để nhập học.
Anh Võ Thanh Tuấn (35 tuổi, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ), ra tù năm 2009, hiện đang làm dịch vụ cho thuê dàn âm thanh, ánh sáng tại quê cũng cho rằng, điều quan trọng nhất để làm lại cuộc đời phải bắt đầu từ chính nghị lực của người trong cuộc, thứ đến là sự giúp đỡ, động viên của gia đình, người thân và bè bạn. Đang là nhạc công kiếm sống ở TP Hồ Chí Minh, trong một lần về quê ăn giỗ, Tuấn tham gia vào một vụ ẩu đả dẫn đến giết người, và bị tuyên án 8 năm tù. Nhờ chấp hành án phạt tù tốt nên chỉ hơn 4 năm sau Tuấn đã được trở về nhà.
Anh chia sẻ: “Tôi đã được Ban Giám thị Trại giam Kim Sơn mời tham dự hội nghị gia đình phạm nhân tiêu biểu vài lần rồi. Tôi nghĩ, ở một môi trường cải tạo tốt như Trại giam Kim Sơn, được các quản giáo quan tâm và giúp đỡ, động viên, những bạn trẻ lầm lỗi do bồng bột, thiếu suy nghĩ sẽ không thiếu các cơ hội thi đua, phấn đấu chấp hành án phạt tù tốt để được giảm án nhiều lần và được đặc xá tha tù trước thời hạn”.
“Không có gì là không thể” và “muộn còn hơn không” sẽ không là khẩu hiệu suông nếu người trong cuộc thực sự cố gắng, quyết tâm, cộng với sự động viên, khích lệ kịp thời từ những người xung quanh, cộng đồng xã hội. Như câu chuyện về anh Lê Văn Thống (Phù Mỹ), hiện đã hoàn lương và làm ăn rất hiệu quả bằng chính nghề mộc mà anh học được từ những ngày còn thụ án ở Trại giam Kim Sơn. Như con đường mà anh Khởi Nguyên đã quyết tâm lựa chọn.
Bài, ảnh: THU HÀ
(*) Vì lý do tế nhị, chúng tôi đã thay đổi tên nhân vật trong bài viết.