KỶ NIỆM 137 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1.5.1886 - 1.5.2023)
Không ngừng sáng tạo, không ngừng cống hiến
Nhân ngày Quốc tế Lao động 1.5, Báo Bình Định giới thiệu 3 gương lao động tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, cống hiến hết mình để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sáng tạo hiệu quả
Anh Bùi Văn Chi (SN 1982, Ca trưởng Tổ Đóng hàn ống tiêm tại Phân xưởng Thuốc tiêm - Dịch truyền, thuộc Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam) luôn đề cao trách nhiệm và không ngừng nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến phục vụ tốt hơn cho công việc.
Anh Chi làm việc trong môi trường vô trùng. Ảnh: NVCC
Làm việc trong phòng vô trùng, những công nhân như anh Chi phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt, từ cách mặc trang phục bảo hộ đến thao tác chuyên môn đều được quy định chặt chẽ để đảm bảo chất lượng từng lô thuốc. Do đó, việc anh và đồng nghiệp tiếp xúc với hóa chất hay cồn sát khuẩn nồng độ cao là thường xuyên.
Anh Chi luôn tìm tòi, cập nhật kiến thức mới, công nghệ hiện đại nhất để áp dụng vào công việc. Nhiều năm liền, anh đưa ra các đề xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất. Có thể kể đến những sáng kiến nổi bật được Công ty áp dụng và đem lại hiệu quả đáng kể, như: Cải tạo tấm inox che bảo vệ lọc HEPA laminar máy liên hoàn 6 kim (cải thiện chiều dòng khí thổi); Cải tạo tấm inox chắn cửa hầm sấy máy xử lý sang máy đóng hàn ống tiêm (Aseptic); Khắc phục dây nhựa báo ống đầy từ xử lý qua hàn bị trồi ống trên máy đóng hàn ống Aseptic... giúp tiết kiệm gần 410 triệu đồng cho Công ty trong năm 2021 - 2022.
Với những đóng góp trên, anh Chi được vinh danh là lao động xuất sắc của Công ty và nhận danh hiệu Đoàn viên Công đoàn xuất sắc giai đoạn 2018 - 2022; nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2018 và 2022.
Nói về phương châm làm việc, anh Chi cho biết: “Là công nhân, lại là đảng viên, tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó; đồng thời học hỏi, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao kỹ năng để cùng phấn đấu, thi đua sản xuất hiệu quả”.
Lao động an toàn gắn với bảo vệ môi trường
Anh Văn Phạm Nhật Nam (SN 1985, công nhân kỹ thuật chuyên giám sát trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng của Xí nghiệp Lâm nghiệp PISICO, thuộc Tổng Công ty PISICO Bình Định) luôn đề cao an toàn lao động gắn với bảo vệ môi trường trong quá trình làm việc.
Anh Nam giám sát khai thác gỗ tại xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Ảnh: NVCC
Nhờ giàu kinh nghiệm thực tế, anh Nam đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, giúp đảm bảo hiệu quả khai thác và bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng người lao động.
Chẳng hạn, khi thời tiết không thuận lợi, phải làm việc tại khu vực có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, đá nhiều, anh cho công nhân khai thác tại “vùng lõi” trước rồi đến các vùng lân cận. Xong khu nào thì làm đường biên phân chia ranh giới giữa các khu để công tác PCCC rừng được thực hiện dễ dàng hơn.
Ngoài ra, anh cho đánh dấu các vị trí nguy hiểm, dễ gây tai nạn bằng các cọc tiêu dán giấy phản quang để các tài xế nhận biết và vận chuyển gỗ về nhà máy an toàn. Nhờ đó, năm qua, tại nơi khai thác không xảy ra vụ việc đáng tiếc nào.
Năm 2022, anh đưa ra sáng kiến “Bảo vệ, tránh gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác rừng trồng”, giúp xử lý rác thải sinh hoạt của công nhân trong quá trình khai thác tại rừng; dùng ký hiệu dễ hiểu, dễ nhận biết để hướng dẫn, phổ biến công nhân vứt rác đúng nơi quy định, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn lao động theo tiêu chí FSC của nhà đầu tư Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, hạn chế bệnh truyền nhiễm, góp phần cải thiện cảnh quan, giữ sạch nguồn nước sinh hoạt. Khi kết thúc mùa khai thác, đội công nhân tiến hành đốt dọn để giúp đất tươi xốp, tốt cho giai đoạn trồng rừng tiếp theo.
“Theo tôi, các sáng kiến phải giúp quá trình sản xuất thuận lợi hơn; nâng cao chất lượng công việc, đảm bảo an toàn cho người lao động và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội”, anh Nam bày tỏ.
Hết việc chứ không hết giờ
Chị Dương Thị Thúy Hồng (SN 1986, Tổ phó Tổ máy thuộc Công ty TNHH Tân Phước, Khu công nghiệp Phú Tài) được đồng nghiệp yêu mến bởi sự nhanh nhạy, siêng năng, cần cù trong công việc.
Chị Hồng điều khiển thiết bị máy tại xưởng gỗ. Ảnh: D.L
Thế nhưng, trước khi được công nhận năng lực, chị Hồng từng đối mặt với sự hoài nghi của các đồng nghiệp nam, bởi phụ nữ khó có đủ sự nhanh nhạy để nắm bắt kỹ thuật sử dụng 20 loại máy móc, thiết bị trong phân xưởng. Chị từng bước chứng minh khả năng bằng cách dành thêm giờ ở lại Công ty quan sát tổ kỹ thuật làm việc và “bỏ túi” những kỹ năng, thao tác chuẩn, nhanh nhất; đồng thời ghi chép kinh nghiệm và truyền đạt cho công nhân trong tổ cùng tiến bộ.
Song song với đó, chị Hồng còn học ở những công nhân trẻ năng động, có học vấn cao, hiểu biết về thiết bị điện tử. Nhờ đó, chị tiếp cận với các loại máy móc hiện đại, sử dụng ngoại ngữ ngày càng thành thạo hơn.
Khi đã nắm rõ nguyên tắc vận hành của thiết bị trong Công ty, chị bắt đầu đưa ra các sáng kiến nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Điển hình là sáng kiến “Cải tiến năng suất tại tổ máy”, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất khoảng 20 - 30%, từ đó tăng thu nhập cho công nhân tại xưởng; đồng thời tiết kiệm gần 300 triệu đồng cho Công ty trong 3 năm (2020 - 2022).
Bên cạnh đó, suốt 17 năm công tác, chị Hồng có quan điểm nhất quán là “hết việc chứ không hết giờ”. Thay vì làm 8 tiếng/ngày theo quy định, chị sẵn sàng tăng ca, đi sớm về muộn để hoàn thành công việc đúng tiến độ. Nhờ vậy, chị được đồng nghiệp tin tưởng, lãnh đạo Công ty cất nhắc lên vị trí tổ phó và trở thành tổ phó nữ đầu tiên tại bộ phận thường do “phái mạnh” chịu trách nhiệm chính.
Không chỉ giỏi việc cơ quan, chị Hồng còn lấy tiêu chí “đảm việc nhà” để phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Gia đình chị đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa xuất sắc ở nơi cư trú từ năm 2017 - 2022. Chị tâm sự: “Nữ giới có thể đảm nhiệm tốt nhiều vai trò, công việc tương tự nam giới. Miễn là chị em nỗ lực hết mình, chịu khó học hỏi, không ngừng nâng cao tay nghề, dù ở vị trí nào vẫn có thể khẳng định năng lực bản thân”.
DƯƠNG LINH