Sáng tạo để truyền cảm hứng dạy & học
Sáng tạo của hai cô giáo trẻ Bình Định vừa được diễn đàn “Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 - 2023” chọn trưng bày trong 150 sản phẩm xuất sắc của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hằng ngày của các nhà quản lý giáo dục và trường học cả nước.
Đó là sáng tạo “Xây dựng hệ thống chấm điểm tự động và áp dụng vào tổ chức kiểm tra trực tuyến môn Tin học” của cô Nguyễn Thị Kiều (SN 1995, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); bài giảng E-learning môn Tự nhiên và Xã hội - ở bài “Phòng tránh ngộ độc khi ở nhà” của cô Đinh Thị Yến Nhi (SN 1989, Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận, huyện Tuy Phước).
Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) 2022 - 2023” (viết tắt là E2 Việt Nam 2022 - 2023) do Bộ GD&ĐT phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức.
Tối 20.4 vừa qua, Ban tổ chức Diễn đàn E2 Việt Nam 2022 - 2023 tiếp tục công bố danh sách 61 sản phẩm xuất sắc trong số 150 sản phẩm của cả nước, và trong số này có sáng tạo của cô Nguyễn Thị Kiều.
Thay đổi hoàn toàn bài kiểm tra môn Tin học
Nói về câu chuyện rất thời sự hiện nay là chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT, thầy Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, khoe: Nhờ hệ thống chấm điểm tự động trực tuyến tại trang https://oj.lequydon.net của cô Nguyễn Thị Kiều, từ năm học 2020 - 2021, trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số và vận dụng mở rộng vào dạy và học. Ứng dụng này càng giàu ý nghĩa khi ra đời ngay thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, thực hiện giãn cách xã hội.
Cô Kiều giới thiệu hệ thống chấm điểm tự động và áp dụng vào tổ chức kiểm tra trực tuyến môn Tin học tại E2 Việt Nam 2022 - 2023, tổ chức tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC
Cô Kiều cho hay, trong môi trường dạy và học linh hoạt như hiện nay, hệ thống đánh giá trực tuyến hỗ trợ rất nhiều cho việc tự học ngôn ngữ lập trình và thuật toán của học sinh đam mê lập trình nói chung, đặc biệt học sinh chuyên Tin nói riêng, giúp các em có thể tiếp cận với thư viện bài tập rất lớn và đủ mọi độ khó. Quá trình đánh giá hoàn toàn tự động, nên học sinh có thể tự học, tự rèn luyện khả năng lập trình và tự áp dụng các thuật toán đã học để giải quyết các bài toán.
Sáng tạo này giúp thay đổi hoàn toàn cách tổ chức bài kiểm tra môn Tin học nói chung và Tin học lập trình nói riêng. Hệ thống còn có hỗ trợ Stanford MOSS - hệ thống so sánh sự giống nhau của các chương trình, để phát hiện trường hợp học sinh sao chép bài trong cuộc thi. “Hơn thế, giải pháp giúp giảm bớt được thời gian chuẩn bị cho cuộc thi và chấm bài ở nhà của giáo viên. Đây là công việc mất rất nhiều thời gian”, cô Kiều chia sẻ.
Những tiết học với “mặt cười”, “mặt méo”
“Em đã từng thấy ai bị ngộ độc chưa? Vì sao họ bị ngộ độc?”. “Vì sao một số người bị ngộ độc qua đường ăn uống?”. “Uống nước ngọt để qua đêm thường đau bụng, vì sao?”… Tiếp sau đó là hoạt động khám phá, quan sát, tương ứng mỗi đáp án đúng là biểu tượng vui vẻ của “mặt cười”, hoặc “mặt méo” khi lựa chọn của học sinh chưa chính xác.
Cứ thế, tiết học Tự nhiên và Xã hội lớp 2 Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận về chủ đề “Phòng tránh ngộ độc khi ở nhà” của cô Đinh Thị Yến Nhi diễn ra sôi nổi, sinh động. Bài học đến nội dung nào, màn hình chiếu hình ảnh minh họa đến đó. Phía dưới, 31 trẻ thích thú dán mắt vào màn hình, quên đi sự hiện diện của những khách lạ như chúng tôi tại lớp học.
Cô giáo Đinh Thị Yến Nhi sáng tạo bài giảng E-learning. Ảnh: M.H
Cô Nhi cho hay, bài giảng dùng hiệu ứng powerpoint với phần mềm ispring suite 9 chuyển tải các bài trình chiếu powerpoint thông thường sang tương tác tích cực. Hệ thống bài giảng theo hoạt động, hình ảnh sinh động và mỗi bài tập đều có thống kê kết quả, nút lệnh kiểm tra kết quả để học trò đối chiếu xem mình đã hoàn thành nội dung gì và chưa hoàn thành nội dung gì.
Điều thú vị, bài giảng E-learning đã được cô Nhi áp dụng trong môn học tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức. Phần mềm sử dụng phù hợp với lứa tuổi, học sinh chỉ cần click chuột vào những mảnh ghép, hay những câu hỏi, phần mềm sẽ tự động báo kết quả đúng hay sai ngay khi các em thao tác.
“Cách học này đã tạo cho trò hứng thú học tập, nắm được bài một cách dễ dàng, và có thể học bất cứ lúc nào. Hình thức học mang tính chất mở, thoải mái thông qua hình ảnh và lời giảng của giáo viên cũng như hệ thống các câu hỏi được biên soạn cụ thể giúp trẻ tư duy và ghi nhớ bài tốt hơn. Mỗi bài soạn cũng mất khoảng hơn 1 tháng mới hoàn thiện, nhưng thấy học trò hào hứng với việc học, tôi vui lắm!”, cô Nhi vui vẻ nói.
Không khó để ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học
Ngoài sáng tạo được E2 Việt Nam 2022 - 2023 công nhận, cô Nhi còn thường soạn giáo án điện tử với hình ảnh, clip minh họa nội dung kiến thức bài học nhằm giúp học sinh tiếp thu bài một cách hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận cho hay, hiện nay với chương trình giáo dục phổ thông mới, việc sáng tạo ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại trường được nhân rộng, phổ biến.
Trong khi đó, cô Kiều còn xây dựng hệ thống E-learning “Ứng dụng phần mềm mã nguồn mở vào học và kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến” tại trang https://elearning.lequydonbd.net, hỗ trợ cho việc dạy và học trên lớp, giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm thời gian, tăng hứng thú trong quá trình giảng dạy. “Hiện phần lớn trường THPT trong tỉnh đã được trang bị máy tính và đường truyền internet tốc độ cao, đáp ứng một phần nhu cầu khai thác thông tin của giáo viên và học sinh. Nhiều giáo viên đã được tập huấn về ứng dụng CNTT trong dạy học, bên cạnh đó khả năng ứng dụng công nghệ của giáo viên ngày càng được nâng cao, số lượng bài giảng điện tử ngày càng nhiều, phong phú về nội dung, đa dạng về chủng loại. Học sinh tích cực tham gia những tiết dạy có ứng dụng CNTT, hăng hái xây dựng bài theo sự hướng dẫn của giáo viên. Vì vậy không khó để ứng dụng CNTT trong dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Kiều khẳng định.
MAI HOÀNG