Náo nức trong ngày hội võ
Đi trong ngày hội võ (Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V- Bình Định 2014), sáng 2.8, PV Báo Bình Định theo chân các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế về gặp gỡ, giao lưu tại các võ đường tiêu biểu và một số địa điểm khác ở thị xã An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Tuy Phước. Không khí náo nức của ngày hội, nniềm vui hội ngộ của một cuộc trở về được các P.V ghi lại…
Náo nức hội ngộ
9 giờ sáng, tại Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao thị xã AN Nhơn, đông đảo người dân đã đến chờ xem các đoàn võ thuật về biểu diễn. 4 đoàn võ thuật quốc tế và 10 đoàn võ thuật trong nước khi đến đã được nghe dàn trống hội rộn ràng được đánh bởi các võ sinh của võ đường Lê Xuân Cảnh (An Nhơn), cùng hàng trăm võ sinh các võ đường ở thị xã An Nhơn dàn thành hai hàng ngang chào đón trang trọng.
“Dợt” lại lần cuối trước giờ giao lưu, biểu diễn. Ảnh: S.Ly
Mở đầu chương trình biểu diễn, các tiết mục biểu diễn quyền, binh khí, đối luyện do các võ sinh ở thị xã An Nhơn biểu diễn, gây nhiều ấn tượng cho các đoàn khách.
Các võ sinh nhí của võ phái Uy long môn (Hải Phòng) nhận được nhiều tràng pháo tay khi biểu diễn các binh khí gắn liền với cuộc sống thường nhật như ghế, cuốc…
Các võ sư, võ sinh môn phái Thiếu lâm Trung Sơn - Hải dương võ đạo biểu diễn binh khí song câu, đại đao đẹp mắt. Môn phái Nội gia võ đạo (Hà Nội) chinh phục mọi người bằng những tiết mục biểu diễn song dao găm, hầu quyền, lục xà công uyển chuyển, uy lực.
Đến tận 11 giờ 30 ngày 2.8, chương trình biểu diễn võ thuật ở Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn mới kết thúc. Các đoàn võ thuật sau đó di chuyển xuống võ đường Lý Xuân Hỷ (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) để tiếp tục giao lưu….
Tại Tuy Phước, chương trình giao lưu ngày 2.8 diễn ra tại hai địa điểm: hội trường Trung tâm VH-TT&TT huyện và Chùa Long Phước. Theo kế hoạch, 9 giờ chương trình mới khai mạc, nhưng chưa đến 8 giờ, đã có rất đông các đoàn võ thuật tụ về hội trường Trung tâm.Võ sư Lê Xuân Cảnh (An Nhơn) nhận xét: “Mỗi đoàn đã đem đến biểu diễn những tiết mục thể hiện được tinh hoa của môn phái đáng để học hỏi. Các học trò của tôi rất háo hức để được chào đón các đoàn đến giao lưu…”.
Những đoàn đến sớm nhất là: Văn Lang võ đạo Ma-rốc, võ quyền Ba Lan, đoàn võ cổ truyền các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum, đoàn Viện nghiên cứu võ thuật Việt Nam thuộc Đại học Quốc tế Hồng Bàng… Mỗi đoàn chọn một góc sân rộng để “dợt” lần cuối các tiết mục biểu diễn của đoàn mình.
Khán giả Tuy Phước cũng có mặt rất sớm để chào đón các đoàn và háo hức chờ xem các màn trình diễn.
Hội trường như nín thở rồi bùng vỡ với những màn khí công độc đáo, thót tim của đoàn võ cổ truyền Viẹt Nam tỉnh Bình Dương. Các tiết mục biểu diễn: công phá gạch bằng đầu; công phu lưỡng tiết côn (dùng lưỡng tiết côn đánh vỡ quả trứng gà kẹp giữa cổ và đầu 1 người); “tắm” bằng xăng, ngậm lửa; nằm trên bàn đinh nhọn và đặt gạch trên ngực, dùng búa đập vỡ gạch nhưng người vẫn không hề hấn gì… khiến khán giả hò reo trong niềm phấn khích.
Đoàn võ cổ truyền tỉnh Bình Dương tiếp tục “đãi” người mộ võ bằng những tiết mục võ thuật đẹp mắt và vui nhộn: đối luyện một chống hai, “cụ già đánh cướp”, “người tàn tật đánh bọn côn đồ”.
Trưởng đoàn, võ sĩ Trần Bình Dương cho biết: Đây là lần thứ 3 đoàn đến Bình Định tham gia Liên hoan. Đoàn đã chuẩn bị chương trình biểu diễn công phu, đa dạng (mỗi điểm biểu diễn chuẩn bị tới15 tiết mục) song vì điều kiện thời gian có hạn, để đảm bảo tất cả các đoàn đều được giới thiệu những nét đặc sắc võ thuật của võ phái, môn phái nên đoàn chọn lọc biểu diễn mỗi điểm khoảng 8 tiết mục.
Tây Sơn sáng 2.8 đã đón 10 đoàn võ thuật trong nước và 22 đoàn nước ngoài với tổng cộng khoảng trên 300 thành viên đến giao lưu biểu diễn tại Khu du lịch Hầm Hô và Võ đường Phan Thọ.
Đây là lần đầu tiên Khu du lịch Hầm Hô được chọn là điểm biểu diễn giao lưu tại một kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam. Thời tiết mát mẻ, không gian thoáng đãng cùng sự náo nức của nhiều đoàn võ thuật như làm tăng thêm sự tự tin cho các võ sư, võ sinh trong việc biểu diễn những tiết mục đặc sắc của môn phái mình.
Với trang phục khá bắt mắt, đoàn võ thuật thuộc môn phái Võ kinh Vạn An phái tại Pháp mở màn buổi giao lưu bằng một số bài biểu diễn quyền, đối luyện đặc sắc vừa uyển chuyển, mềm dẻo, vừa nhanh nhẹn, uy lực.
Để chuẩn bị cho đợt giao lưu lần này, hầu hết các đoàn đều có sự chuẩn bị khá chu đáo. Những tiết mục biểu diễn quyền, binh khí, đồng diễn, đối luyện với nhiều màu sắc khác nhau đem đến sự thích thú cho người xem.
Trong đó, đoàn Thiếu lâm Long phi (Bình Dương) còn dàn dựng cả hoạt cảnh ngắn, biểu diễn các bài võ trên nền nhạc viết về vùng đất Tây Sơn huyền thoại, tái hiện hình ảnh nhân dân ta đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.
Hay như đoàn An Giang, đem đến buổi giao lưu nhiều tiết mục biểu diễn hết sức đẹp mắt do các võ sinh nhỏ tuổi thực hiện, khiến thành viên các đoàn khác không ngớt vỗ tay tán thưởng…
Rời Khu du lịch Hầm Hô, các đoàn lại hăm hở đến với võ đường Phan Thọ (Bình Nghi, Tây Sơn). Mọi người đều hết sức ấn tượng với màn đón tiếp nhiệt tình của các võ sư, võ sinh nơi đây.
Sau khi đại diện các đoàn làm nghi lễ dâng hương lên bàn thờ tổ, các màn được thưởng thức một số tiết mục biểu diễn ấn tượng của các võ sư, võ sinh võ đường Phan Thọ. Nhiều võ sinh trẻ đã thể hiện các bài võ đầy uy lực, động tác chuẩn xác, có hồn; bên cạnh đó, màn biểu diễn võ thuật với vũ khí là chiếc bồ cào cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Sắc màu mới từ các đoàn võ quốc tế
Tiết mục biểu diễn của các đoàn quốc tế đem đến những sắc thái mới cho người thưởng võ.
Đoàn võ thuật Nhật Bản được UBND tỉnh mời về tham dự Liên hoan lần đầu tiên, gây ấn tượng mạnh nhờ những màn biểu diễn của các võ sư lục đẳng, thất đẳng của các môn karatedo, kendo (kiếm đạo) với chất lượng cao đã được khán giả liên tục vỗ tay cổ vũ.
Anh Nguyễn Văn Linh, một người dân ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), nhận xét: “Trước đây tôi cũng có mấy năm học karatedo. Tuy nhiên, có cơ hội được xem những tiết mục biểu diễn của chính các võ sư đến từ nơi đã khai sinh ra môn võ này mới thấy đã”.
Các võ sinh Tinh võ đạo (Nga) với những tiết mục biểu diễn, binh khí đẹp mắt, được các đoàn võ thuật đánh giá cao qua những tràng vỗ tay.
Các võ phái Thần long thiên đại hổ (Pháp), Sa Long Cương quốc tế (Việt Nam, Pháp, Ý) cũng phô diễn thật nhiều những tiết mục có chất lượng.
Còn tại Tuy Phước, trong suốt gần 3 giờ đồng hồ diễn ra chương trình biểu diễn võ thuật, hội trường Trung tâm VHTT-TT huyện Tuy Phước những tràng pháo tay giòn giã không ngớt.
Các màn biểu diễn: long quyền, biệt quân quyền, quạt phong quyền và song đấu (2 người) của đoàn võ quyền Ba Lan rất được tán thưởng.
Tiếp đó, màn múa kiếm, múa quạt, tam đấu của các võ sinh trẻ đoàn Văn Lang võ đạo Ma-rốc cũng nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả. Những tràng pháo tay không dứt sau tiết mục múa quạt do nữ võ sinh có khuôn mặt xinh như thiên thần Halael Hsissen (16 tuổi) của đoàn biểu diễn…
Khán giả càng thêm bất ngờ và xúc động khi bốn chàng trai đoàn thủy pháp Việt Nam tại Bỉ cùng cất lời “Chào quê hương Bình Định mến khách” bằng tiếng Việt khá rõ. Phần giới thiệu các tiết mục biểu diễn của đoàn cũng bằng tiếng Việt.
Tâm sự ngày "trở về"
Võ sĩ Trần Bình Dương, một người gốc Bình Định (quê ở huyện Tây Sơn), vào Nam lập nghiệp từ năm 1992, và trong hành trang không quên mang theo võ cổ truyền Bình Định để quảng bá tại đất phương Nam.
“Về Bình Định, với chúng tôi như là về nhà. Với bản thân tôi, một người con Bình Định đang tham gia gìn giữ, quảng bá võ cổ truyền Bình Định, tôi thật sự hạnh phúc vì võ cổ truyền Bình Định nói riêng, võ cổ truyền Việt Nam nói chung ngày càng được bạn bè quốc tế trân quý, đón nhận…”, võ sĩ Trần Bình Dương tâm sự.
5 kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định diễn ra là đủ 5 lần Đoàn võ truyền Việt Nam tỉnh Đắk Lắk của võ sĩ Hoàng Trung Kiên có mặt. Tại Liên hoan kỳ này, Đoàn tham gia 24 người, trong đó có 18 võ sinh, 3 võ sinh trẻ nhất chỉ mới 10 tuổi.
Đoàn võ truyền Việt Nam tỉnh Đắk Lắk gây thiện cảm và ấn tượng nơi người xem và các đoàn bạn bởi dàn võ sinh rất trẻ song phong thái biểu diễn ra dáng con nhà võ.
Cô bé Mai Huyền Trang (10 tuổi) đi bài quyền lão mai, một trong những bài quyền nổi tiếng của võ cổ truyền Việt Nam - “thứ nhất Lão mai, thứ hai Ngọc trản” - đầy uyển chuyển, mềm mại song vẫn toát lên từ bên trong uy lực như đặc điểm của bài võ này.
Trưởng đoàn, võ sĩ Hoàng Trung Kiên cho biết, Mai Huyền Trang mới học võ được 5 tháng nay, song cô bé gần như có tố chất tự nhiên nên tiếp thu nhanh và phong thái biểu diễn võ rất cuốn hút. Màn đấu luyện tay không binh khí của 3 võ sinh nhí nam: Trương Quang Vinh (12 tuổi), Đoàn Đình Mạnh và Đồng Gia Định (đều 10 tuổi) cũng nhận những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả…
Với các võ sinh quốc tế, về Bình Định sự Liên hoan cũng là một cuộc "trở về", về với một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam. Trưởng đoàn Đoàn Thủy pháp Việt Nam tại Bỉ, anh Jean Philippe cho biết, Đoàn có 8 người tham gia Liên hoan võ lần này. Hình thức như dưỡng sinh, môn nhu quyền này đang được nhiều người Bỉ và kiều bào Việt Nam tại Bỉ tiếp nhận. Một số trường học còn đưa Thủy pháp vào chương trình giảng dạy chính thức như một môn thể dục trong nhà trường. “Bởi lợi ích mà Thủy pháp mang lại là điều hòa khí huyết, kinh mạch, âm dương, rèn sức dẻo dai, tinh thần thư thái cho người tập, rất phù hợp cho con người trong đời sống công nghệ hiện đại và bận rộn”, Jean Philippe cho biết.
Võ sinh Kassim Tembely thuộc môn phái Võ kinh Vạn An phái tại Pháp, tham gia biểu diễn tại Tây Sơn, thì tâm sự rằng cô thích nhất là được tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần này, đặc biệt là được giao lưu với nhiều đoàn võ thuật đến từ khắp nơi trên thế giới trong một khung cảnh thiên nhiên rất đẹp.
“Tôi đến với võ Việt Nam vì đây là một môn võ rất đặc biệt, phù hợp với tất cả mọi người, mọi giới. Bên cạnh đó, những cách thức sử dụng tay, chân và cả binh khí đều đem lại hiệu quả cao. Tôi mong muốn sẽ được học hỏi thêm nhiều cái hay, cái đẹp từ võ cổ truyền thông qua những đợt giao lưu bổ ích như thế này”, Kassim Tembely nói.
LÊ CƯỜNG - HOÀI THU - SAO LY