Đồng lòng xây nhà bia tưởng nhớ liệt sĩ
Người dân xóm 21 (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cùng đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà bia ghi tên 41 liệt sĩ - là những người con sinh ra và lớn lên tại đây, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Việc làm này thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn, sự hy sinh của các liệt sĩ; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp nhân dân.
Ông Lương Văn Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Vinh Quang 2, chia sẻ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn thôn Vinh Quang 2 là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch. Vào năm 1965, địch đã thảm sát 34 người dân vô tội tại thôn Vinh Quang 2.
Người dân xóm 21 dọn dẹp, lau chùi nhà bia tưởng niệm, nơi ghi công 41 liệt sĩ là những người sinh ra, lớn lên tại xóm 21. Ảnh: M.N
Dù chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng người dân nơi đây không khuất phục mà trái lại còn kiên cường hơn trước quân thù. Để rồi cùng với nhân dân cả huyện, tỉnh và cả nước vùng lên đấu tranh, giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông vào tháng 4.1975.
Ông Trần Đón (81 tuổi, ở xóm 21) kể lại: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia LLVT huyện Tuy Phước; thường xuyên hoạt động và chiến đấu tại xã Phước Sơn để giữ đất, giữ làng. Trước khi huyện Tuy Phước được giải phóng (tháng 3.1975), chiến trường khu Đông rất ác liệt; quân địch thường xuyên càn quét, ném bom. Tuy nhiên, quân và dân xã Phước Sơn nói riêng, huyện Tuy Phước nói chung vẫn đứng vững, chống trả kiên cường và giành thắng lợi cuối cùng.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, cả thôn Vinh Quang 2 có 86 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; riêng xóm 21 có 41 người. Sau ngày đất nước thống nhất, bà con nhân dân ở xóm 21 cùng đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà bia ghi tên 41 liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ những người con quê hương không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vào ngày 30.4, 27.7 và ngày Tết cổ truyền hằng năm, người dân ở xóm 21 đều tổ chức lễ viếng các anh hùng liệt sĩ rất chu đáo.
Nhà bia được xây dựng trên khu đất cao ráo, rộng rãi. Nơi đây thường xuyên được người dân địa phương dọn dẹp, lau chùi, hương khói nên rất sạch sẽ, ấm cúng và trang nghiêm.
Bà Nguyễn Thị Tám (70 tuổi, ở xóm 21) cho biết: “Hằng ngày đều có người dọn dẹp, hương khói cho các liệt sĩ được ghi tên trong bia tưởng niệm. Riêng ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch hằng tháng, bà con bày biện thêm hoa quả để viếng hương linh các liệt sĩ. Đây là sự thành kính và biết ơn đối với anh hùng liệt sĩ, nên bà con trong xóm không cần nhắc nhở mà mỗi người cùng chung tay chăm lo để nhà bia được tươm tất”.
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, việc làm cụ thể, thiết thực của người dân ở xóm 21 đã khơi dậy lòng biết ơn, lòng tự hào và trách nhiệm của cộng đồng đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ tại địa phương. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, giúp các thế hệ ở địa phương ý thức được trách nhiệm với cha anh đã anh dũng hy sinh để có được hòa bình, độc lập hôm nay.
MINH NHÂN