Người đam mê sưu tầm kỷ vật thời chiến
Hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Lực (43 tuổi, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) không ngừng tìm kiếm, sưu tầm các món đồ gắn với những tháng năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hiện bộ sưu tập với gần 200 kỷ vật thời chiến được ông Lực bảo quản cẩn thận, nhằm lưu giữ những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Từ khi còn nhỏ, ông Lực đã thích tìm tòi, cất giữ những món đồ gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gian khổ và bất khuất của dân tộc. Ông Lực chia sẻ: “Tôi sinh ra khi đất nước đã được hòa bình, thống nhất. Dù không trực tiếp chứng kiến khói lửa chiến tranh, nhưng khi tôi còn nhỏ thường được nghe ông bà kể lại những mất mát, hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Qua lời kể của ông bà, tôi cực kỳ ấn tượng với những món đồ được các chiến sĩ dùng trong sinh hoạt hằng ngày khi tham gia kháng chiến”.
Các kỷ vật kháng chiến được ông Lực trưng bày, sắp xếp và bảo quản cẩn thận. Ảnh: C.L
Đó là động lực để hơn 20 năm nay, ông Lực không ngừng “săn” các kỷ vật thời kháng chiến. Nghe ai giới thiệu hay biết thông tin về các kỷ vật, ông Lực tìm đến nơi và kiên trì thuyết phục chủ nhân bán lại.
Lúc mới bắt đầu tìm mua các kỷ vật thời kháng chiến, ông Lực gặp không ít khó khăn, bởi nhiều người chưa biết mục đích của ông nên ngại “giao dịch”. Mặt khác, có những món đồ tuy bình thường, đơn sơ nhưng đối với chủ nhân lại có ý nghĩa đặc biệt bởi chứa đựng kỷ niệm về một thời chiến đấu kiên cường. Tuy nhiên, bằng tấm lòng chân thành và đam mê của một người sinh ra thời hậu chiến, ông Lực đã thuyết phục được họ để đón kỷ vật về với bộ sưu tập của mình.
Hiện bộ sưu tầm của ông Lực có hàng trăm món, có những món đã hơn 80 “tuổi đời” như những chiếc bi đông đựng nước từ thời kháng chiến chống Pháp; những chiếc ăng gô đựng thức ăn được bộ đội sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ, hay ca đựng nước được các chiến sĩ tự làm bằng xác máy bay.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập của ông Lực còn có các loại nỏ được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng chiến đấu với giặc Pháp, hay các dụng cụ như xẻng sử dụng đào giao thông hào; đèn bão, đèn pin gắn vào ngực áo khi hành quân ban đêm; cà mèn đựng cơm; bộ đàm; dao găm, lưỡi lê; các loại vỏ đạn pháo…
Những kỷ vật này được ông Lực trưng bày, sắp xếp và bảo quản cẩn thận tại một góc bên trong quán cà phê của gia đình, sẵn sàng phục vụ cho những vị khách có cùng sở thích. Mỗi kỷ vật ông Lực đang lưu giữ đều có những “lý lịch” cụ thể; khi khách có yêu cầu tìm hiểu, ông vui vẻ giới thiệu rành mạch, tường tận.
“Để có thể biết rõ ràng “lý lịch” từng kỷ vật, tôi tìm đọc nhiều tài liệu lịch sử và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nhà sưu tầm kỷ vật kháng chiến khác. Với tôi, mỗi kỷ vật là một câu chuyện lý thú, lưu giữ lại những chiến công hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau này”, ông Lực tâm sự.
CÔNG LUẬN