Hội đồng thẩm định nhà nước kết luận gì về đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết hợp chở khách với chở hàng, tốc độ khai thác khoảng 200km/h, rút ngắn thời gian đầu tư dự án xuống 16 năm, nghiên cứu đầu tư theo PPP là những kết luận mới nhất của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Rút ngắn thời gian xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuống 16 năm.
Trong thông báo kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt chạy qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt đánh giá, khuyến nghị đối với việc đầu tư siêu dự án nhiều tỉ USD này.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải có chiều dài khoảng 1.559km, điểm đầu là ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Nhưng trong báo cáo thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề nghị giữ nguyên điểm đầu, điểm cuối tuyến nhưng rút ngắn chiều dài toàn tuyến xuống còn 1.508,6km.
Hội đồng thẩm định nhà nước muốn đầu tư đường sắt tốc độ cao kết hợp chở khách với chở hàng thay vì đầu tư đường sắt cao tốc chỉ chở khách - Ảnh minh họa: T.PHÙNG
Về phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án - kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200km/h.
Tiếp thu ý kiến của tư vấn thẩm tra về cấp tốc độ thiết kế, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, công nghệ để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Về thời gian thực hiện dự án, hội đồng thẩm định nhà nước cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp thu kiến nghị của đơn vị tư vấn thẩm tra là: liên danh tư vấn Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải - Công ty TNHH Evo mc - Công ty One Arup & Partners Hong Kong Limited - Công ty CP tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú.
Theo đó, liên danh tư vấn thẩm định này cho rằng thời gian đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tới 30 năm theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải là quá dài, khó bảo đảm tính khả thi về tổng mức đầu tư, nhiều rủi ro làm tăng tổng mức đầu tư, không tạo động lực, cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đơn vị tư vấn thẩm định kiến nghị rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuống còn 16 năm.
Trong đó, 3 năm chuẩn bị thực hiện dự án (2023-2025); 16 năm thực hiện đầu tư xây dựng dự án (2025-2041), việc rút ngắn thời gian xây dựng dự án theo đơn vị tư vấn sẽ giúp kiểm soát được rủi ro tiềm ẩn tăng tổng vốn đầu tư dự án.
Cũng theo kiến nghị của đơn vị tư vấn thẩm định, thời gian thực hiện đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2025-2035) thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến, xây dựng 2 đoạn tuyến Ngọc Hồi (Hà Nội) - Vinh, Nha Trang - Thủ Thiêm (TP.HCM). Tổng chiều dài 2 đoạn tuyến này khoảng 621,31km. Giai đoạn 2 (2035-2041) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, chiều dài 886,75km.
Giảm tổng vốn và nghiên cứu đầu tư theo PPP
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, nếu thực hiện đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam chuyên chở khách, với tốc độ thiết kế khoảng 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h thì tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,7 tỉ USD.
Nhưng kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước thì nếu đầu tư theo phương án này tổng vốn đầu tư dự án khoảng 64,6 tỉ USD, tăng khoảng 5,89 tỉ USD.
Nếu đầu tư theo phương án đường sắt tốc độ cao, với vận tốc khai thác từ 160-225km/h, vốn đầu tư theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải khoảng 76,39 tỉ USD, nhưng theo tính toán của Hội đồng thẩm định nhà nước khoảng 61,02 tỉ USD, giảm 15,34 tỉ USD.
Và theo đề xuất của cả Bộ Giao thông vận tải và đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nếu đầu tư theo PPP, vốn nhà nước tham gia vào dự án chiếm khoảng 80%, và tư nhân sẽ góp khoảng 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Với phần vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 50,96 tỉ USD, được huy động như sau: 38,94 tỉ USD thu từ đấu giá đất đô thị phát triển tại 50 nhà ga dọc tuyến, vốn đầu tư công khoảng 12,01 tỉ USD (trong đó 8 tỉ USD vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, 3 tỉ USD vốn trái phiếu công trình, 1,02 tỉ USD vốn ngân sách trung ương).
Phần vốn tư nhân tham gia dự án khoảng 10,06 tỉ USD, phần vốn này chủ yếu phục vụ để mua đầu máy toa xe và xây dựng các nhà ga cao tầng.
(Theo BẢO NGỌC/TTO)