Thầm lặng những đôi mắt biển
Là một trong những cảng biển lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mỗi năm Cảng Quy Nhơn đón hàng chục nghìn lượt tàu ra vào; trong đó có những tàu lớn ở khắp nơi trên thế giới. Để dẫn lối cho những chuyến tàu ra vào cảng an toàn, không thể thiếu lực lượng hoa tiêu - những đôi mắt biển thầm lặng.
Hoa tiêu là những người đầu tiên của nước sở tại lên tàu biển nước ngoài từ phao số 0, người chịu trách nhiệm hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho tàu biển khi vào khu vực giới hạn. Để trở thành một hoa tiêu ngoại hạng, có thể dẫn dắt tất cả loại tàu, hoa tiêu phải mất 10 - 15 năm với các giai đoạn tập huấn, thực tế rất nghiêm ngặt.
Nghề dẫn sóng
12 giờ 30 phút ngày 11.4, tàu Kota Naga (quốc tịch Singapore, trọng tải 25.985 DWT) rời Cảng Quy Nhơn. Nhằm hỗ trợ tàu rời cảng an toàn, hoa tiêu ngoại hạng Nguyễn Thanh Hùng (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải Khu vực 7) đã có mặt trước đó 15 phút để thực hiện công việc của người dẫn đường. Việc đầu tiên trước khi lên tàu là quan sát tổng thể mọi chướng ngại vật quanh tàu, điều kiện gió và dòng chảy. Sau đó, anh lên tàu trao đổi, bàn bạc với thuyền trưởng tàu Kota Naga phương án điều động tàu rời cầu cảng; đồng thời yêu cầu 2 chiếc tàu lai tiếp cận tàu để hỗ trợ tàu Kota Naga rời cảng theo quy định…
Hoa tiêu phải nắm rõ luồng và thông số của mỗi con tàu để tư vấn cho thuyền trưởng và thủy thủ vào, ra luồng được an toàn. Ảnh: K.A
Di chuyển được tầm 15 phút, thông qua rađa, hoa tiêu Hùng phát hiện ngư dân đang đăng đáy đánh cá giữa luồng. Để đảm bảo an toàn, hoa tiêu liên tục kéo còi cảnh báo; mãi gần đến nơi, ngư dân mới chịu kéo đăng đáy cá ra khỏi luồng tàu. Vì mật độ giao thông, điều kiện thủy triều tại thời điểm này có phần phức tạp, hoa tiêu và thủy thủ đoàn rất tập trung. Khi phát hiện 2 ghe chở khách đang lưu thông rất gần luồng chạy của tàu, một lần nữa còi báo hiệu lại vang lên để cảnh báo, tránh nguy cơ va chạm.
“Động năng tàu lớn nên việc dừng ngay khi đang di chuyển là không thể; vì vậy để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải quan sát thật kỹ để luôn chủ động tình huống”, anh Hùng nói thêm trong lúc đang quan sát rađa để tiếp tục xác định những chướng ngại phía trước luồng tàu.
Sau gần 1 giờ di chuyển theo luồng đã định với vài “cú thót tim”, tàu Kota Naga đã đến phao số 0 để tiếp tục hành trình xuyên Đông Á. Trong khi tàu Kota Naga đang di chuyển với vận tốc 6 hải lý/giờ (tương đương 11 km/giờ), anh Hùng theo thang hoa tiêu được móc bên mạn tàu với độ cao cả chục mét, di chuyển xuống canô đang cập bên dưới (để chuẩn bị đón một tàu khác sẽ vào Cảng Quy Nhơn sau khoảng 1 giờ nữa - PV), bất chấp gió mạnh cùng những lượt sóng đập vào mạn tàu và canô như muốn hất tung tất cả.
Quả thật, trước khi tiếp xúc và quan sát công việc dẫn tàu ra vào cảng, tôi nghĩ công việc của hoa tiêu chỉ đơn giản là ngồi trên một chiếc canô đi trước để các tàu theo sau. Song, công việc của những “đôi mắt biển” này vất vả hơn nhiều.
Hoa tiêu tập sự Nguyễn Hoàng Vinh cho biết: “Tôi từng có hơn chục năm làm việc trên các tàu viễn dương, có cơ hội tiếp xúc và làm việc với nhiều hoa tiêu trên thế giới; song khi trực tiếp bước chân vào nghề hoa tiêu, tôi mới vỡ thêm nhiều điều. Tôi đang trải qua thời kỳ tập sự và hiểu rằng hoa tiêu không chỉ nắm rõ đặc tính dòng chảy, các yếu tố khí tượng thủy văn trong khu vực hàng hải, mà còn phải hiểu về tính năng con tàu mình đang dẫn để luôn chủ động tình huống, tạo sự tin tưởng cho thuyền trưởng và thủy thủ đoàn”.
An toàn là trên hết
Cảng Quy Nhơn có 1 luồng hàng hải với chiều dài 6,3 km, rộng khoảng 110 m. Có điều kiện khí tượng thủy văn thuận lợi, nhưng cảng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi gió, đặc biệt là gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; chưa kể nhiều bãi cạn gần luồng hàng hải. Do đó, đòi hỏi hoa tiêu trong quá trình điều động tàu, nhất là với những tàu có chiều dài 175 - 200 m, rộng 30 - 35 m, trọng tải đến 50.000 DWT ra vào cảng phải luôn tập trung cao độ để hạn chế tối đa lỗi chủ quan do hoa tiêu.
Những chuyến tàu ra vào Cảng Quy Nhơn an toàn có sự góp phần không nhỏ của hoa tiêu dẫn đường. Ảnh: K.A
“Tàu càng lớn thì độ trôi dạt càng nhiều, vì thế hoa tiêu phải chủ động tính toán độ dạt của tàu, điều kiện thủy văn như con nước, sức gió, mưa nắng, độ che phủ tại thời điểm đó cùng với sự hỗ trợ của tàu lai (tàu hỗ trợ) để đưa tàu vào đúng vị trí đã được chỉ định trước đó”, hoa tiêu Hùng chia sẻ.
Đang mải câu chuyện về nghề hoa tiêu, bộ đàm trên tay anh Hùng vang lên, đầu bên kia là thuyền trưởng tàu Mearsk Chatogram (quốc tịch Singapore, trọng tải 37.158 DWT). Khi nhận ra anh Hùng chính là hoa tiêu hôm nay sẽ dẫn tàu cho mình, thuyền trưởng Kaushal Sanjeev tỏ ra phấn khởi: “Ôi nghe giọng của bạn là tôi thấy yên tâm rồi; dự kiến khoảng 20 phút nữa chúng tôi sẽ đến phao số 0. Vậy lát nữa chúng ta gặp nhau nhé, bạn của tôi”.
Chỉ vậy thôi, nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm vui và sự tự hào của anh Hùng qua ánh mắt đang dõi theo khơi xa, bởi sự tin tưởng của các thuyền trưởng chính là động lực cho các hoa tiêu như anh. Anh Hùng kể, có lần dẫn tàu hàng dài 200 m, quốc tịch Panama, cách phao số 0 khoảng 1,5 hải lý (3 km) thì tàu đột ngột chết máy.
Để tiếp cận tàu tại phao số 0, hoa tiêu phải di chuyển trên thang dây hoa tiêu đầy hiểm nguy. Ảnh: K.A
“Con tàu rất lớn, nếu bị dạt vào bãi cạn bên ngoài luồng sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình lưu thông hàng hải ra vào Cảng Quy Nhơn. Sau thoáng lo lắng, ngay lập tức tôi phải tính toán độ tàu dạt, bán kính quay trở tàu làm sao không ảnh hưởng lớn đến luồng hàng hải cũng như thiệt hại cho tàu. Cũng may, với sự hỗ trợ kịp thời của thuyền trưởng, các thủy thủ lẫn tàu lai cùng sự quyết đoán của bản thân, chỉ vài tiếng sau, khi con nước lên tàu đã rời đi an toàn”, anh Hùng nhớ lại.
Thuyền trưởng Kaushal Sanjeev (người Singapore) khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào các hoa tiêu ở đây, họ tư vấn nhiều thông tin về luồng, bãi cạn, cũng như an toàn luồng. Trong quá trình dẫn tàu, họ còn giới thiệu về con người, cảnh vật lẫn tiềm năng, lợi thế cảng biển, rất thân thiện và nhiệt tình, khiến chúng tôi tò mò và muốn được khám phá”.
KIỀU ANH