Ngày mới ở An Dũng
Lần này, trở lại xã tái định cư An Dũng (huyện An Lão), tôi đã cảm nhận rất rõ cuộc sống mới của người dân H’re sau 3 năm dời làng. Những khó khăn, bỡ ngỡ ở vùng đất mới đã dần lùi xa, thay vào đó là nhịp sống rộn rã đầy sắc màu tươi mới.
Kinh tế phát triển, đời sống khởi sắc
Ít ai nghĩ rằng chỉ sau 3 năm về tái định cư tại làng mới, cuộc sống của đồng bào dân tộc H’re xã An Dũng đã nhanh chóng ổn định và khởi sắc như vậy.
Theo Chủ tịch UBND xã An Dũng Đinh Văn Phiên, nhờ sự quan tâm của tỉnh và huyện trong việc bố trí đủ đất lâm nghiệp, nông nghiệp cho bà con sản xuất, đến nay, đời sống kinh tế của người dân địa phương đã cơ bản ổn định. Đáng mừng hơn, trong vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, tuy là năm đầu tiên người dân sản xuất lúa nước trên diện tích gần 64 ha nhưng năng suất đạt hơn 62 tạ/ha, sản lượng hơn 320 tấn nên ai nấy đều phấn khởi. Cùng với trồng trọt, bà con đã phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc hơn 670 con, tăng 120 con so với 1 năm trước; đàn gia cầm hơn 2.600 con; phát triển trồng rừng, cây ăn quả, cây trồng cạn trên 400 ha…
Trong câu chuyện về cuộc sống mới ở vùng tái định cư, ông Đinh Văn Miên (người dân ở thôn 3, xã An Dũng) chia sẻ: “Nhờ đất mới khai hoang, cộng với sự quan tâm hỗ trợ về mặt khuyến nông, giống lúa lai, cùng hệ thống kênh mương được đầu tư hoàn thiện, cây lúa đã sinh trưởng, phát triển tốt. Năm nay, nhà tôi canh tác 5 sào ruộng ở khu vực đồng Tà Loan cho thu hoạch được gần 3 tấn lúa. Nhờ vậy, không chỉ đảm bảo lương thực cho cả nhà mà còn có dư để bán”.
Một góc thôn 2, xã An Dũng. Ảnh: N.H
Còn già làng Đinh Văn Nuối, người có uy tín ở thôn 2, nhận xét: Đến nay, sau 3 năm đến tái định cư ở làng mới, cuộc sống của 136 hộ với trên 340 nhân khẩu ở thôn 2 đã ổn định nhiều. Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi, nhiều người đã mở hướng phát triển dịch vụ như ăn uống, giải khát phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân làng mình.
“Phải nói rằng cuộc sống của người dân tại làng tái định cư mới tốt hơn rất nhiều so với trước đây ở làng cũ”, già làng Đinh Văn Nuối khẳng định.
Trong căn nhà rộng gần 100 m2 ở thôn 2, từ hai năm nay, chị Đinh Thị Hương đã mạnh dạn mở dịch vụ bán nước giải khát, thức ăn sáng cho người dân và phục vụ các món ăn vặt cho học sinh tại địa phương. Với dịch vụ này, mỗi ngày, chị Hương có thu nhập 300 - 500 nghìn đồng, đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình và tích lũy.
Chị Hương bày tỏ: “Trước đây ở làng cũ làm gì có chuyện kinh doanh dịch vụ như ở đây, do dân cư sống rải rác, đi lại khó khăn. Còn bây giờ, Nhà nước quy hoạch làng tái định cư sống tập trung nên phát triển dịch vụ thuận lợi. Sau 3 năm ở vùng đất mới, ai ai trong thôn cũng phấn khởi cho rằng nơi đây làm ăn rất thuận lợi, bà con có điều kiện để nhanh chóng thoát nghèo!”.
Theo ông Đinh Văn Phiên, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay, 481 hộ dân ở xã An Dũng đã nhận đủ đất ở để xây dựng nhà cửa kiên cố. Cùng với đó, nhà nước cũng đã bố trí đủ đất lâm nghiệp với diện tích 365 ha để người dân trồng rừng kinh tế, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi; bố trí 64,45 ha đất sản xuất nông nghiệp để bà con làm ruộng lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
“Bây giờ có thể yên tâm rồi! Bà con đã biết bám đất, bám ruộng, bám rừng, biết chăn nuôi, trồng trọt, biết buôn bán, kinh doanh để phát triển kinh tế hộ… Cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc”, ông Phiên cười rạng rỡ nói.
Thêm những niềm vui mới
Trong rất nhiều điều mới mẻ ghi được ở xã tái định cư An Dũng, điều thấy rõ ràng nhất chính là ANTT luôn được giữ vững, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, say rượu, gây gổ đánh nhau… dần được loại ra khỏi đời sống người dân. Thay vào đó là nếp sống văn hóa mới được nhân dân tiếp thu và phát huy trong cuộc sống hằng ngày.
Những căn nhà khang trang khu tái định cư An Dũng. Ảnh: T.Q
So với quê cũ, việc học tập của con em đồng bào H’re tại khu tái định cư mới được quan tâm và thực sự đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong năm học 2021 - 2022 và học kỳ I năm học 2022 - 2023, xã đã duy trì 100% số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1. Cùng với đó, chất lượng giáo dục ở bậc học mầm non và tiểu học tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao so với các năm trước.
Thầy Huỳnh Văn Nhịn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dũng, cho hay: “Năm học này, trường có 161 học sinh theo học ở 6 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Với điều kiện cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, địa điểm trường học tập trung nên việc quản lý, dạy học của nhà trường đã dần tốt hơn. Đặc biệt, trong năm học này không xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh học yếu kém giảm hẳn”.
Bên cạnh giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chính quyền địa phương chăm lo, Trạm Y tế xã bố trí bác sĩ, giường bệnh, vật tư trang thiết bị y tế đảm bảo, tổ chức tốt hoạt động khám chữa bệnh. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100% dân số. Các chính sách an sinh xã hội được xã quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, khẳng định: “Có thể nói nhân dân xã An Dũng đã ổn định cuộc sống mới ở nơi tái định cư. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con nay đã thay đổi nhiều. Người dân phấn khởi bao nhiêu thì chính quyền vui mừng bấy nhiêu!”.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trên chính là bằng chứng sinh động nói lên sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho nhân dân vùng tái định cư xã An Dũng đã hy sinh rời bỏ ruộng vườn của mình để nhường đất xây dựng công trình đại thủy nông Đồng Mít, phục vụ phát triển KT-XH cho các huyện phía Bắc tỉnh. Đúng theo cam kết mà lãnh đạo tỉnh, huyện đã hứa với người dân là tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc sống tại nơi ở mới của người dân tốt hơn nơi ở cũ.
NGUYỄN QUÝ