Khát nhân lực ngành công nghệ thông tin
Công viên Sáng tạo TMA Bình Định, FSOFT Quy Nhơn, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ, Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định… có mặt tại Bình Định đã tạo ra cơn sốt nhân lực ngành công nghệ thông tin, không chỉ về số lượng mà còn đòi hỏi tính bền vững.
“Săn” nhân sự trình độ cao
Hoạt động tại Bình Định với Công viên Sáng tạo TMA Bình Định gần 5 năm, TMA Bình Định (Tập đoàn công nghệ TMA) hiện có khoảng 550 kỹ sư lập trình. Chiến lược 5 - 10 năm tới, tại Công viên sáng tạo TMA Bình Định sẽ có khoảng 2.000 nhân sự công nghệ thông tin (CNTT). Quyết định đầu tư lớn tại Bình Định, góp sức cùng tỉnh đưa Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn trở thành trung tâm công nghệ cao tại miền Trung và của cả nước, nên điều khiến Chủ tịch TMA Solutions - ông Nguyễn Hữu Lệ trăn trở chính là việc thiếu hụt nhân lực. “Ở đây là thiếu hụt nhân sự làm được việc, nhân lực bền vững, chứ không phải thiếu nhân sự ngành CNTT chung chung”, ông Lệ nói.
Nhân lực trình độ cao ngành IT đang được DN CNTT săn đón.
- Trong ảnh: Kỹ sư IT làm việc tại Công viên Sáng tạo TMA Bình Định.
Theo ông Lệ, sự phát triển của ngành CNTT cũng như sự biến động của thị trường đòi hỏi người làm công nghệ phải học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi. Đặc biệt, nhân sự công nghệ bền vững là đối tượng săn đón của tất cả các công ty, tập đoàn lớn. Phấn đấu trong năm 2024, nhân sự ở Bình Định của TMA phải độc lập, không cần hỗ trợ từ TP Hồ Chí Minh. Chưa kể, Bình Định lại là đại bản doanh của TMA về khoa học dữ liệu, do đó, cùng với nguồn nhân lực tuyển dụng từ các trường đại học khu vực miền Trung - Tây Nguyên, TMA cũng xúc tiến thu hút người có kinh nghiệm từ các nơi khác về.
Anh Trần Hoàn Anh Nguyên, Trưởng bộ phận Khoa học dữ liệu của TMA Bình Định, cho hay: Bộ phận này hiện có 70 nhân sự, trong đó 30% đến từ Trường ĐH Quy Nhơn. Chúng tôi phấn đấu lên đến con số 100 người vào giữa năm 2024. Khách hàng của TMA hầu hết là nước ngoài, do đó không chỉ đòi hỏi nhân sự làm chủ công nghệ “lõi”, mà quan trọng nữa là tiếng Anh và kỹ năng mềm để làm việc.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 trường đại học tham gia đào tạo và cung cấp nhân lực CNTT là Trường ĐH Quy Nhơn (QNU) và ĐH FPT Quy Nhơn. Mới đi vào hoạt động, tuyển sinh được hai khóa với khoảng 1.000 sinh viên, phải đến năm sau Trường ĐH FPT Quy Nhơn mới có thể cung ứng nhân lực cho DN.
Riêng Trường ĐH Quy Nhơn, hiện có 3 khoa đào tạo nhân lực cho ngành IT là khoa CNTT, khoa Toán và Thống kê, khoa Kỹ thuật & Công nghệ. Trong khoảng 400 nhân lực/năm mà ngành này cung ứng cho thị trường, chiếm số lượng lớn là sinh viên khoa CNTT với 3 ngành đào tạo: CNTT, kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), khoảng 300 sinh viên/năm.
Sinh viên khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn đi thực tế tại FSOFT Quy Nhơn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn Đỗ Ngọc Mỹ cho hay, từ khi các công ty phần mềm như FPT, TMA… xuất hiện tại Quy Nhơn, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm tại tỉnh Bình Định. Nhân sự ngành IT phát triển “nóng” trong 5 năm gần đây. Hiện nhu cầu tuyển dụng của ngành này rất lớn, không chỉ ở Bình Định mà trên cả nước. Số lượng thí sinh nhập học lĩnh vực IT năm 2022 nhiều thứ hai chỉ sau lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý. Tuy nhiên, nhân lực CNTT được đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ cho DN.
Gắn trường đại học với doanh nghiệp, chính sách thu hút
Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn (FSOFT Quy Nhơn) hiện có gần 600 kỹ sư, mục tiêu năm 2023 đạt 999 người. Giám đốc FSOFT Quy Nhơn - ông Vũ Văn Đông cho rằng: Có tình trạng “xuất khẩu” nguồn nhân lực IT có kinh nghiệm từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh, trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ở tỉnh Bình Định nói riêng còn hạn chế về số lượng lẫn tiêu chuẩn theo nhu cầu nhà tuyển dụng. Để phát triển thị trường Bình Định, chúng tôi cũng mong muốn có thêm nhiều DN CNTT về đây, vì “menu” phải nhiều món mới hấp dẫn được, nhưng trước tiên phải giải quyết được bài toán nhân lực.
Trong chiến lược đào tạo, ông Đỗ Ngọc Mỹ khẳng định nhu cầu nhân sự IT của các DN là bài toán của cả đôi bên. Nhà trường luôn chủ động để tiếp nhận “đặt hàng” của DN. Trường mời chuyên gia của các công ty phần mềm như FPT, TMA tham gia hội đồng xây dựng, thẩm định các chương trình đào tạo; mời chuyên gia có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tham gia giảng dạy, hướng dẫn các học phần phù hợp; đặc biệt thời gian thực tập, sinh viên được các chuyên gia của DN hướng dẫn, giao nhiệm vụ thực hiện đề tài, đề án thực tế tại các DN ở Bình Định, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban đào tạo, Trường ĐH FPT, cũng cho rằng thời gian tới, Trường ĐH FPT hay nói rộng hơn là Tập đoàn FPT đang đầu tư rất nhiều về đào tạo nhân lực công nghệ cao AI cho tỉnh Bình Định. Định hướng trung tâm AI tại Quy Nhơn đến năm 2035 phải có 25.000 nhân sự, gấp 50 lần số hiện có. Và để có nguồn nhân lực như vậy thì không thể chỉ dựa vào hệ thống đào tạo của tỉnh, Tập đoàn FPT chú trọng đẩy mạnh hoạt động đào tạo của Trường ĐH FPT Quy Nhơn AI Campus.
Đến năm 2028, Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software đầu tư hoàn thiện sẽ đào tạo hơn 10.000 nhân sự công nghệ cao/năm.
Đầu năm 2023, FPT Software chính thức nhận giấy phép chủ trương đầu tư Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn. Mục tiêu chính của tổ hợp này tập trung cho đào tạo. Đến năm 2028, FSOFT Quy Nhơn sẽ đào tạo hơn 10.000 nhân sự công nghệ cao/năm. Bên cạnh đó, hiện FSOFT Quy Nhơn đang triển khai nhiều giải pháp thu hút nhân lực từ các nơi về Bình Định như chương trình ưu đãi cho người phụ thuộc (7 triệu đồng/tháng trong 2 năm), hỗ trợ học phí cho con từ tiểu học (3 triệu đồng/tháng trong 2 năm), hỗ trợ tiền thuê nhà (6 triệu đồng/tháng).
“Không chỉ hợp tác đào tạo với các trường đại học, chính DN chúng tôi cũng đang làm mọi cách để thu hút nhân sự công nghệ cao của lĩnh vực này về quê. Tuy vậy, vẫn cần có sự chung tay cùng tháo gỡ khó khăn từ tỉnh và các sở, ngành để giải bài toán nhân lực, phải làm sao để Bình Định trở thành cực hấp dẫn hút nhân lực ngành IT giống như Đà Nẵng gần chục năm trước vậy”, ông Đông nhấn mạnh.
MAI HOÀNG