Chủ động đưa khoa học, công nghệ vào đời sống
Những năm qua, tỉnh Bình Ðịnh đặc biệt quan tâm, hỗ trợ nhiều nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ. Nhờ đó, có nhiều mô hình, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Theo Sở KH&CN, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 171 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và cấp tỉnh được phê duyệt triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học.
Tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB trong việc xử lý ô nhiễm rác thải sinh hoạt và chăn nuôi tại xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn”, dù được thực hiện từ năm 2014 - 2015, nhưng đến nay vẫn phát huy hiệu quả, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân làng nghề truyền thống, hỗ trợ Nhơn Lộc xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Tương tự là dự án “Ứng dụng KHKT phát triển công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn tại một số vùng miền núi tỉnh Bình Định” do bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh làm chủ nhiệm. Sau hơn 3 năm (2020 - 2022) thực hiện, đến nay, dự án đã xây dựng thành công 1 mô hình sản xuất 2 triệu cây giống nuôi cấy mô, 4 mô hình sản xuất 1 triệu cây giống mô hom cải tiến, 1 mô hình 40 ha rừng trồng thâm canh các cây giống lâm nghiệp mới tại 4 xã: Tây Xuân (Tây Sơn), Canh Vinh (Vân Canh), Cát Lâm (Phù Cát), Ân Nghĩa (Hoài Ân), mỗi xã trồng 10 ha. Qua đó, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương vùng nông thôn, miền núi; cung cấp cho người trồng rừng một số giống tốt (giống keo lá tràm Clt7, Clt18, Clt26; bạch đàn Caman C55, BV2; bạch đàn lai UP54), phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương, đáp ứng nhu cầu trồng rừng cây gỗ lớn.
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (bên phải), chủ nhiệm dự án “Ứng dụng KHKT phát triển công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn tại một số vùng miền núi tỉnh Bình Định”. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Hoặc, dự án KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định”, gồm có 6 đề tài nhánh; đến nay có 5/6 đề tài đã hoàn thành. Theo đó, những người thực hiện đề tài đã nghiên cứu chế tạo và xây dựng tiêu chuẩn thiết bị phân lập isolator tương đương thiết bị ngoại nhập; triển khai sản xuất được 5 thiết bị isolator phục vụ việc pha chế thuốc ung thư trước khi hóa trị cho bệnh nhân nhằm bảo vệ chống phơi nhiễm cho nhân viên bệnh viện, bảo vệ môi trường; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 6 hoạt chất thuốc tiêm - 10 sản phẩm thuốc tiêm đông khô điều trị ung thư quy mô công nghiệp… Hiện nay, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đã đưa sản phẩm của dự án ra thị trường, tạo được doanh thu cho đơn vị, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt giúp bệnh nhân ung thư tiết kiệm khá nhiều tiền do giá thuốc rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập từ 20 - 30%.
Có thể thấy, nét nổi bật trong việc triển khai các đề tài, dự án ở Bình Định là tính ứng dụng cao, giải quyết những vấn đề sát sườn với hoạt động sản xuất, với cuộc sống của người dân; không chỉ tạo ra cơ hội thử nghiệm giống cây, con mới, kỹ thuật mới cho địa phương, mà còn mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế.
Để chủ động ứng dụng KH&CN trong cuộc sống, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Sở tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về phát triển KH&CN; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo. Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với các đề tài, dự án KH&CN; nâng cao chất lượng các hội đồng thẩm định, nghiệm thu các đề tài đề án; tăng cường phương thức đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hỗ trợ phát triển DN về lĩnh vực KH&CN; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, chợ công nghệ thiết bị để trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh; đẩy nhanh quá trình thương mại hóa công nghệ từ kết quả nghiên cứu đề tài vào thực tiễn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chủ lực của tỉnh…”.
TRỌNG LỢI