Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay chính sách
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện hỗ trợ cho nhiều trường hợp phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thông qua chương trình vay giải quyết việc làm và học sinh, sinh viên; đồng thời không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động cho vay ở cơ sở.
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2023, các địa phương hỗ trợ gần 5.000 lượt vay với tổng số tiền hơn 131,5 tỷ đồng thuộc chương trình cho vay học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn. Với chương trình cho vay giải quyết việc làm, đã có trên 5.200 lượt vay với tổng số tiền hơn 272 tỷ đồng.
Một trong những trường hợp hưởng lợi từ các chương trình cho vay là bà Nguyễn Thị Trí, ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh). Chồng qua đời vì bệnh nặng, một mình bà Trí làm nông, nuôi con ăn học. Bà vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, mua 2 con bò cái làm giống, làm chuồng nuôi và đầu tư trồng 2 ha rừng. Con đỗ đại học, bà lại vay 62,5 triệu đồng để con được đến trường.
“Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã giúp mẹ con tôi vượt qua khó khăn và xây dựng cuộc sống đầy đủ hơn trước. Nhờ được hỗ trợ kịp thời và tư vấn kỹ lưỡng, tôi đã trả hết nợ và dành dụm vốn liếng để tiếp tục phát triển kinh tế”, bà Trí tâm sự.
Bà Trí ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) đã sử dụng hiệu quả các chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH. Ảnh: PGD Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh
Tương tự, bà Nguyễn Thị Năm, ở thôn Liêm Lợi, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) một vai gánh vác nhà “7 miệng ăn”, loay hoay tìm cách tăng thêm thu nhập ngoài làm ruộng. Nhiều lần vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư vào việc trồng mai, đến nay, bà Năm đã gầy dựng được gần 5 sào mai với khoảng 1.000 chậu, thu nhập 230 - 300 triệu đồng/năm.
Bà Năm chia sẻ: “Bên cạnh việc được tạo điều kiện vay vốn, tôi được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc mai. Nhờ đó, tôi mới đủ sức cáng đáng gia đình và vơi bớt nỗi lo về kinh tế”.
Chú trọng từ cơ sở
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công tác cho vay ở cơ sở, các phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng CSXH chú trọng lồng ghép việc cho vay vốn với hoạt động chuyển giao KH&KT, khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm; quan tâm nhiều hơn đến các địa phương có tỷ lệ vay thấp, tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp tương ứng...
Theo Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH TX Hoài Nhơn Đặng Thị Hương, việc triển khai song song cho vay với đào tạo nghề, trao “cần câu” sẽ tạo việc làm lâu dài, thu nhập ổn định cho người dân. “Việc phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai đồng bộ các chương trình giúp đưa ra nhiều phương án sử dụng nguồn vốn hợp lý cho người dân. Từ đó, người dân có thể chọn cách làm phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, từng bước vượt khó, phát triển kinh tế”, bà Hương cho biết.
Góp phần đáng kể vào hiệu quả công tác cho vay là tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) của các hội, đoàn thể ở cơ sở. Được xem như “cánh tay nối dài” trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người vay, các tổ này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ủy thác.
Ở huyện miền núi Vân Canh, PGD Ngân hàng CSXH huyện đã chú trọng phát huy lợi thế của tổ TK&VV, triển khai nhiều cách làm cụ thể để nâng cao hiệu quả cho vay, như tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho thành viên các tổ, phát triển thành phần nòng cốt các tổ TK&VV là người dân tộc thiểu số để việc tuyên truyền được sâu rộng hơn…
Theo số liệu của PGD Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, từ đầu năm 2023 đến ngày 26.4, doanh số cho vay của chương trình học sinh, sinh viên đạt 556 triệu đồng với 26 lượt vay; chương trình vốn vay giải quyết việc làm đạt hơn 12 tỷ đồng với 148 lượt vay. Ông Trần Đình Trung, Phó Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho biết: “Huyện có tỷ lệ vay theo chương trình học sinh, sinh viên còn thấp bởi tại địa phương, người dân thường ưu tiên đi làm hơn đi học. Để khắc phục, các tổ VV&TK đẩy mạnh vận động phụ nữ có con đi học và thanh niên tham gia vay vốn, từng bước nâng cao hiệu quả công tác này”.
Bên cạnh đó, phát huy lợi thế tập hợp nhiều thành phần, tổ TK&VV của các hội, đoàn thể vận động người dân tiếp cận với nguồn vay chính thống thay vì tìm đến tín dụng đen. “Chúng tôi ưu tiên vận động chị em có hoàn cảnh khó khăn tham gia vay vốn, tư vấn các chương trình vay ưu đãi phù hợp với từng chị. Một số trường hợp ngại đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn, tổ vay có thể tiếp cận và hỗ trợ”, bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ TK&VV thuộc Hội LHPN xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), thông tin.
DƯƠNG LINH