Hệ thống thủy lợi ở Bình Ðịnh: Ðóng góp lớn vào sản xuất nông nghiệp
Được xây dựng bài bản, đầu tư nâng cấp, sửa chữa khá thường xuyên, hệ thống thủy lợi của tỉnh phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất nông nghiệp, nhờ đó chuyện “nhất nước” cùng với “nhì phân - tam cần - tứ giống” đóng góp rất lớn vào thắng lợi của các vụ sản xuất.
Tươi xanh những cánh đồng
Vụ Đông Xuân 2022 - 2023 là vụ sản xuất thứ 3 vùng xa nguồn nước Tây Giang (Tây Sơn) thành công lớn sau khi hệ thống kênh tưới Thượng Sơn đưa nước về đây. Khi chưa có hệ thống kênh tưới Thượng Sơn, HTXNN Thượng Giang (Tây Giang) chỉ sản xuất ăn chắc được 120 ha lúa vụ Đông Xuân, sang vụ Hè Thu bấp bênh ngay. Cuối năm 2020, kênh tưới Thượng Sơn (giai đoạn 1) chính thức vận hành, dẫn nước về các xã Tây Giang, Bình Tường, Vĩnh An (Tây Sơn), không chỉ sản xuất được 2 vụ lúa ăn chắc mà cả những đất gò cao cũng được hưởng lợi.
Đập dâng Văn Phong, một trong những công trình thủy lợi giúp hồi sinh những vùng đất khô cằn của huyện Tây Sơn và Phù Cát. Ảnh: DŨNG NHÂN
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, chia sẻ, khi kênh tưới Thượng Sơn dẫn nước về đây, gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp của HTX có giá hẳn. Không chỉ trồng lúa ăn chắc, chúng tôi chuyển sang trồng đậu phụng rất thành công. Hơn 40 ha đậu phụng tươi tốt áp dụng theo quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP đã trở thành nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến sản phẩm dầu phụng OCOP 3 sao của HTX. Nước từ kênh tưới Thượng Sơn đã biến nhiều thửa đất tưởng chừng chẳng thể trồng trỉa được gì nữa thành ruộng nhất đẳng điền, bờ xôi ruộng mật; những cánh đồng mía, mì kém hiệu quả chuyển qua trồng đậu phụng và ngay lập tức lãi từ 10 - 15 triệu đồng/ha - điều trước khi có kênh tưới Thượng Sơn không ai dám mơ.
Việc được đảm bảo nước tưới tác động rất mạnh tới quy mô, hiệu quả sản xuất và điều đó ngày càng rõ ràng hơn. Với hệ thống thủy lợi Đồng Mít - Lại Giang, những khu vực ven sông Lại đoạn thuộc TX Hoài Nhơn trước thường thiếu nước từ khoảng giữa tháng 5 đến tháng 6, người dân không an tâm sản xuất vụ Hè và vụ Thu đã thay đổi hẳn.
“Hệ thống này đảm bảo tưới cho mùa khô và cắt lũ tốt cho mùa mưa, cùng với đập Lại Giang và đập ngăn mặn Lại Giang - đã thành một chỉnh thể tác động đến cả một vùng rộng lớn suốt từ An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, chia sẻ.
“Mùa vàng” trải dưới chân
Nói đến nước thì không thể không nhắc đến hệ thống thủy lợi Văn Phong (Tây Sơn) phủ khắp vùng đất cát Phù Cát. Nước tưới từ hệ thống này đã phủ xanh đậu, mè, bắp và dừa xiêm, xoài của huyện. Có thể nói, nước tưới Văn Phong chính là cuộc cách mạng mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp ở Phù Cát.
“Vụ Đông Xuân này, Phù Cát trồng 4.078 ha đậu phụng, sản lượng thu được bình quân 43 tạ/ha. Với giá bán tại vườn là 15.000 - 18.000 đồng/1kg đậu tươi, mỗi héc ta lãi từ 23 - 25 triệu đồng. Không chỉ vậy, ở những diện tích xen cây trồng cạn với cây lâu năm (xoài xen đậu phụng, mè; dừa xen đậu, mè…), thu nhập còn tăng thêm không ít”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết.
Ông Đào Kim Bằng, một người dân ở xã Cát Hiệp chia sẻ, nhờ hưởng lợi từ hệ thống kênh tưới Văn Phong, gia đình ông chuyển đất trồng keo sang trồng cây ăn trái xen canh với đậu phụng; đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để đảm bảo cấp đủ nước, giữ được độ ẩm cần thiết cho cây trồng. Đến nay, vườn cây ăn quả 3 tuổi của ông xanh tốt quanh năm chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch, mỗi năm làm được 2 vụ đậu phụng đủ để vừa trang trải nhu cầu gia đình, vừa cho phép tái đầu tư cho phát triển.
Tương tự nhờ được hệ thống Văn Phong cung cấp đảm bảo nước tưới, anh Võ Trần Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Kaizen (Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) đã phát triển được vùng nguyên liệu cây nha đam ở An Nhơn - Tây Sơn - Phù Cát. Nha đam là cây chịu nhiệt, chịu hạn nhưng phải giữ được độ ẩm ổn định mới có thể phát triển. Nhờ đủ nước tưới chúng tôi có thể điều tiết được độ ẩm qua hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiên tiến.
Với hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, được đầu tư bài bản từ các công trình thủy lợi lớn tới hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng sản xuất nông nghiệp ở Bình Định đã dần thay đổi tích cực, bền vững.
● Tỉnh Bình Định hiện có 164 hồ chứa tính dung tích từ 50 triệu m3 trở lên; 4 hệ thống thủy lợi lớn gồm hệ thống thủy lợi Sông Côn - Hà Thanh, hệ thống thủy lợi La Tinh, hệ thống thủy lợi phía Bắc huyện Phù Mỹ và hệ thống thủy lợi Đồng Mít - Lại Giang; đảm bảo tưới tiêu tối đa các diện tích lúa và cây trồng cạn với tổng diện tích 64.177 ha.
● Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bình Định có nhiều công trình, dự án được triển khai để khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí hơn 1.567 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020 đã hoàn thành công tác tái thiết, khắc phục thiệt hại thiên tai năm 2016 với 80 km đê kè được kiên cố; 10 km kênh mương tưới, tiêu được sửa chữa, kiên cố; nâng cấp và xây dựng 5 công trình đập dâng trên lưu vực sông Côn, La Tinh, Lại Giang…
● Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định tiếp tục xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật lồng ghép với phòng chống thiên tai, trong đó đầu tư nâng cấp 12 hồ chứa từ nguồn ngân sách tỉnh, 14 hồ chứa từ nguồn vốn của Bộ NN&PTNT, sửa chữa 6 đập dâng tăng khả năng thoát lũ và cải thiện điều kiện vận hành; xây mới đập dâng Phú Phong; xây dựng và hoàn thiện công trình chuyển nước từ kênh Văn Phong ra sông La Tinh; đưa hồ chứa Đồng Mít vào sử dụng phát huy tốt nhiệm vụ giảm lũ hạ du.
THU DỊU