Bảo tàng tỉnh phát huy chức năng bản đồ khảo cổ học
Năm 2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp Sở KH&CN xây dựng bản đồ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh để cập nhật, bảo tồn các di tích có giá trị khảo cổ, phế tích sau khai quật. Cung cấp cho các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thông tin tổng quan và dự báo về khả năng nghiên cứu của từng điểm khảo cổ.
Bình Định là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng bản đồ khảo cổ học. Việc sử dụng và phát huy chức năng của bản đồ khảo cổ học giúp Bảo tàng tỉnh thuận lợi hơn trong việc theo dõi, quản lý, bảo tồn các di tích, phế tích trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2013, 2018, 2022, Bảo tàng tỉnh tiến hành các đợt chấm điểm và cập nhật thông tin liên quan đến 88 điểm di tích, phế tích khảo cổ từ các nền văn hóa tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Champa đến các triều đại sau này ở 11 huyện, thị xã, thành phố lên bản đồ khảo cổ trên website của đơn vị.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh theo dõi các điểm cập nhật trên bản đồ khảo cổ học. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Nguyễn Thanh Vinh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu - sưu tầm (Bảo tàng tỉnh) - bộ phận đảm trách việc cập nhật bản đồ khảo cổ học - cho biết: Trước đó, các điểm phế tích được phát hiện cập nhật lên bản đồ khảo cổ học chủ yếu ở ven sông Côn, sông La Tinh. Đến năm 2022, Bảo tàng tỉnh khảo sát khu vực ven sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Hà Thanh đã phát hiện thêm các phế tích đền tháp Champa; cập nhật thêm 2 điểm tại TX Hoài Nhơn, 11 điểm tại huyện Phù Mỹ, 1 điểm tại huyện Vân Canh; đặc biệt, đã phát hiện thêm một bia ký Champa tại xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) và cập nhật thêm vào bản đồ khảo cổ học.
Tại mỗi điểm di tích, phế tích được cập nhật trên bản đồ khảo cổ học cung cấp những thông tin cơ bản về địa điểm, vị trí, loại hình di tích, giai đoạn lịch sử, hiện trạng cùng hình ảnh kèm theo, giúp giới nghiên cứu trong nước và quốc tế tìm hiểu, nghiên cứu về khảo cổ học Bình Định.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, các điểm di tích, phế tích được cập nhật trên bản đồ khảo cổ học giúp ích rất nhiều cho việc quản lý và góp phần quảng bá di sản văn hóa vật thể của Bình Định ra thế giới. Những năm qua, có nhiều nhà nghiên cứu từ Đức, Pháp, Nhật Bản… tìm hiểu thông tin trên bản đồ khảo cổ học, sau đó tìm đến Bảo tàng tỉnh để tham quan, kết nối nghiên cứu sâu hơn về di sản văn hóa ở Bình Định.
Hằng năm, Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí nhân sự khảo sát lại các di tích, phế tích để xác định những phát hiện mới, làm thủ tục cập nhật vào bản đồ khảo cổ học. Bảo tàng tỉnh sẽ dựa vào các tư liệu lịch sử, thông tin từ người dân địa phương để tiến hành khảo sát thực địa; đánh giá hiện trạng các phế tích còn khả năng nghiên cứu nữa hay không để cập nhật vào bản đồ khảo cổ học nhằm bổ sung thông tin theo quy định, phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác bảo tồn; phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua làm giàu thông tin bản đồ khảo cổ học được xem là giải pháp bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; là một hướng tiếp cận công tác số hóa di sản nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Có bản đồ khảo cổ học, không chỉ Bảo tàng tỉnh, mà các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương sẽ thuận tiện hơn trong việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, tránh tình trạng di tích, phế tích bị xâm hại. Ngoài bản đồ khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh cũng đang ứng dụng hệ thống mã QR hỗ trợ thuyết minh tại 7 cụm tháp Chăm trên địa bàn tỉnh do Sở TT&TT xây dựng chuyển giao năm 2022. Đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng thêm dữ liệu ứng dụng mã QR cho các hiện vật trưng bày tại bảo tàng để phục vụ du khách tham quan, nhằm từng bước thực hiện việc số hóa di sản trong công tác sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật tại bảo tàng và các di tích lịch sử, văn hóa.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN