Mỹ sẽ kích hoạt bảo vệ Philippines ở Biển Đông trong điều kiện nào?
Mỹ công bố các hướng dẫn mới trong hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, trong đó làm rõ các trường hợp tấn công trên Biển Đông.
Theo Hãng tin Reuters, "hướng dẫn phòng thủ song phương" dài 6 trang đã được nhất trí tại Washington ngày 3.5 đưa ra các điều khoản rõ ràng về mức độ cam kết trong hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Philippines.
Đây là kết quả nỗ lực của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, đang có chuyến thăm Mỹ, nhằm cập nhật hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (bên trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 3.5, trong ðó thảo luận về Biển Ðông - Ảnh: AFP
Trong năm qua, Philippines đã đưa ra hàng loạt phản đối ngoại giao đối với các hành động "hung hăng" của Bắc Kinh đối với lực lượng tuần duyên của Manila.
Đây là bản hướng dẫn đầu tiên kể từ khi Washington và Manila ký kết hiệp ước vào năm 1951.
Theo hướng dẫn mới nhất, hiệp ước phòng thủ chung sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công trên Biển Đông hoặc nếu các tàu tuần duyên bị tấn công.
Hướng dẫn cũng đề cập các hình thức chiến tranh hiện đại, bao gồm cả "chiến thuật vùng xám" mà Trung Quốc được cho là đã sử dụng để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên văn bản không nhắc cụ thể đến hai chữ Trung Quốc.
"Nhận thấy rằng các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số khu vực, bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, và ở dạng chiến tranh bất đối xứng, chiến tranh kết hợp, chiến tranh bất thường và chiến thuật vùng xám, các hướng dẫn vạch ra một hướng xây dựng khả năng tương tác trong cả các phạm vi truyền thống và phi truyền thống", Lầu Năm Góc giải thích.
Biển Đông là tuyến vận tải quan trọng đối với thương mại toàn cầu và cũng là điểm nóng chính trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông Rommel Ong - cựu phó chỉ huy Hải quân Philippines - cho rằng các hướng dẫn là thông điệp "cảnh báo" tới Trung Quốc nếu muốn tấn công Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Còn ông Julio Amador - lãnh đạo tổ chức tư vấn các vấn đề chiến lược và an ninh đặt tại Manila - nhận định các hướng dẫn an ninh mới "sẽ khiến Trung Quốc tạm dừng".
Ngày 4.5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối việc sử dụng các hiệp ước phòng thủ song phương để can thiệp vào Biển Đông. Bắc Kinh cho rằng đây "không nên là bãi săn của các thế lực bên ngoài".
Tổng thống Philippines Marcos đang có chuyến thăm Mỹ, trong đó ông đã gặp người đồng cấp Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Ông Austin đã khẳng định Washington luôn ủng hộ Manila ở Biển Đông và những nơi khác trong khu vực.
(Theo TRẦN PHƯƠNG/TTO)