Chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị Chuyển đổi số năm 2023 vào sáng 5.5, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, nhấn mạnh: Chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương… là rất quan trọng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải quyết tâm, hành động quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.
Hội nghị Chuyển đổi số (CĐS) năm 2023 được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn), kết hợp trực tuyến đến 11 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố và lần đầu tiên được triển khai đến các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị Chuyển đổi số năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
10 nhóm nhiệm vụ chuyển đổi số
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về CĐS tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, chỉ số đánh giá CĐS của tỉnh (DTI) dần được cải thiện.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha giới thiệu về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định . Ảnh: TRỌNG LỢI
Tỉnh Bình Định bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử, với 13 cơ sở dữ liệu liên ngành; xây dựng, thiết lập nhiều ứng dụng dùng chung toàn tỉnh, như: Văn phòng điện tử, một cửa điện tử, các ứng dụng tài chính, dịch vụ công trực tuyến, hội nghị trực tuyến, thư điện tử công vụ; hạ tầng CĐS cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tuy vậy, việc thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, khi các ứng dụng có quy mô nhỏ, rời rạc; dữ liệu phân tán, khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ thấp; kinh phí chi cho CĐS còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã chưa hoàn thiện (nhiều xã chưa có hệ thống mạng LAN; tỷ lệ máy vi tính trang bị cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã còn thấp).
Để triển khai tốt nhiệm vụ CĐS trong năm 2023, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ CĐS, gồm: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, an toàn thông tin mạng, nhận lực số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh đang tập trung xây dựng nền tảng số trên diện rộng, trong đó các lĩnh vực ưu tiên là y tế, giáo dục, kinh tế biển, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng…, xây dựng dữ liệu số với các yếu tố cốt lõi “đúng, đủ, sạch, sống”…
Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ rõ: Năm 2023 là “Năm quốc gia về dữ liệu số”. Do đó, để CĐS thực sự là động lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tiếp tục xác định CĐS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo là rất quan trọng, đòi hỏi bản thân mỗi người phải quyết tâm, hành động và nhận thức cao hơn nữa khi thực hiện các nhiệm vụ về CĐS. “Tôi yêu cầu người đứng đầu, người lãnh đạo phải nắm chắc các nội dung được triển khai, ứng dụng và sử dụng tốt hệ thống, các ứng dụng CĐS; buộc nhân viên cấp dưới phải cùng hành động, sử dụng hiệu quả; bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ CĐS hợp lý và hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: T.LỢI
Về xây dựng hạ tầng số, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TT&TT định hướng cho toàn tỉnh, sớm xây dựng kho dữ liệu dùng chung. Các DN hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phải vào cuộc để hoàn thiện toàn bộ hạ tầng (đường truyền, trang thiết bị, hệ thống truyền dẫn kết nối…). Đồng thời, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phải xác định, CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung mạnh mẽ hơn nữa, tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động toàn dân, xã hội, DN tham gia công tác CĐS một cách chủ động, tích cực, thực chất, hiệu quả.
Đối với việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh với DN viễn thông, công nghệ số, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị tiếp tục phát huy hiệu quả các nội dung đã ký kết, quan tâm phát triển hạ tầng số, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trạm BTS cho các thôn, làng có sóng di động kém và mở rộng vùng phủ sóng tại các huyện, thị xã, thành phố; đồng hành triển khai các nội dung CĐS, hỗ trợ hoạt động CĐS cho các đơn vị, địa phương; phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, phối hợp, triển khai CĐS cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: T.LỢI
Trong công cuộc CĐS, lực lượng ĐVTN - nòng cốt của các tổ công nghệ số cộng đồng - cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính chủ động, tiên phong trong hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả các ứng dụng CĐS.
Hằng tháng, hằng quý, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh sẽ tổ chức họp rà soát, đánh giá tiến độ và tình hình triển khai các nhiệm vụ CĐS ở các sở, ngành, địa phương. Sở TT&TT đảm nhận vai trò “nhạc trưởng” trong định hướng, hỗ trợ các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả kế hoạch CĐS theo tinh thần hiệu quả, tiết kiệm và an toàn…
Chuyển đổi số và những khó khăn ở huyện miền núi
Quan tâm đặc biệt 3 huyện miền núi của tỉnh là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ưu tiên, dành nhiều thời gian ở phần thảo luận để lãnh đạo địa phương trình bày những khó khăn, trở ngại khi thực hiện CĐS.
Cái khó chung của 3 huyện này là hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa đảm bảo, trang thiết bị máy móc và đội ngũ nhân lực chuyên về công nghệ thông tin vừa thiếu, yếu. “Hệ thống mạng các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn đang dùng mang tính độc lập, tiềm ẩn rủi ro rất lớn về an toàn thông tin. Hệ thống họp trực tuyến UBND huyện chưa kết nối đến cấp xã để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nhất là trong tình huống phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai... Phần lớn máy vi tính và một số trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã lạc hậu, hay hư hỏng. Toàn huyện còn 3 làng của xã Vĩnh Kim chưa được sử dụng internet băng rộng cố định là Kon Trú, O2 và O5”, ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh báo cáo.
Để tháo gỡ dứt điểm các khó khăn trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở TT&TT phối hợp với đơn vị viễn thông và địa phương tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ hạ tầng để có hướng tháo gỡ, đầu tư và nâng cấp phù hợp. Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu, lãnh đạo các địa phương phải chủ động, xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS, trong đó quan tâm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân, DN hiểu và hưởng ứng việc sử dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng/nền tảng số mang lại cho phát triển kinh tế số và xã hội số…
TRỌNG LỢI