Vượt qua chính mình, lan tỏa niềm tin
Vừa qua, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức tuyên dương 12 thanh niên khuyết tật tiêu biểu với chủ đề “Vượt qua chính mình, lan tỏa niềm tin”. Báo Bình Ðịnh giới thiệu 3 gương mặt điển hình trong số đó.
Chàng trai “tí hon” biến rác thành đồ chơi
Anh Phan Huỳnh Anh Toan (SN 1990, ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, đành dang dở việc học.
Được sự động viên từ bạn bè và gia đình, hơn 10 năm nay, anh gắn bó với Chi hội Nguyễn Nga (Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh), làm những việc phù hợp với khả năng, sức khỏe của bản thân, vừa có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Anh Phan Huỳnh Anh Toan
Năm 2021, anh Toan cùng với nhiều bạn trẻ khuyết tật, thầy cô trong Chi hội thành lập Vườn tái chế tại xóm 2, thôn Long Thành, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) - nơi “hô biến” những vật liệu bỏ đi thành những vật dụng có ích. Tại đây, bằng sự đam mê cùng đôi tay khéo léo, anh Toan đã biến bìa các tông, chai nhựa, giấy vụn thành những sản phẩm mỹ thuật, đồ chơi ngộ nghĩnh như xe ô tô, đàn guitar...
Chia sẻ về ý tưởng tái chế rác, anh Toan bộc bạch: “Mỗi sản phẩm tôi làm ra đều mang thông điệp, ý nghĩa về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Thời gian tới, tôi hy vọng những sản phẩm tái chế của mình sẽ được nhiều người biết đến, để cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường sống”.
Hạt nhân trong phong trào Đoàn
Anh Lê Văn Hiệp (SN 1994) dù khó khăn trong đi lại do bị teo cơ chân trái nhưng luôn là một cán bộ Đoàn gương mẫu, năng nổ. Hiện anh là Phó Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân).
Anh Lê Văn Hiệp
Thời gian qua, anh Hiệp đã cùng Chi đoàn vận động ĐVTN tham gia thực hiện công trình thanh niên Thắp sáng đường quê năm 2021 và 2022 (có chiều dài 1,5 km), xây dựng sân bóng chuyền, đường hoa, vườn ươm thanh niên, góp sức vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động vì môi trường, chống rác thải nhựa; vận động 140 hội viên, thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện; kết nối các nhà hảo tâm tặng quà cho học sinh nghèo, người bị tai nạn lao động…
Anh Hiệp còn là gương thanh niên khởi nghiệp thành công qua mô hình trồng bưởi da xanh và hồ tiêu với diện tích 1,5 ha; xây dựng cơ sở sửa chữa đồ điện tử tại nhà, tạo thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình.
Vượt khó vươn lên
Khi mới sinh ra, anh Lê Tấn Lam (SN 1991, ở khu phố An Dưỡng 2, phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) hoàn toàn khỏe mạnh. Đến năm 10 tuổi, anh bị bệnh thoái hóa võng mạc và hoàn toàn mất thị lực vào năm 27 tuổi, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào sự giúp đỡ của người thân.
Anh Lê Tấn Lam
Năm 2018, khi được nghe kể về nghề massage, đấm bóp cho thu nhập ổn định, dù đi lại khó khăn nhưng anh Lam vẫn quyết tâm đến Hội Người mù tỉnh để học nghề. Sau 4 tháng học nghề, anh Lam được Hội cấp chứng chỉ; sau đó làm nhân viên tại một cơ sở xoa bóp, massage tại TP Hồ Chí Minh cho đến khi cơ sở này ngừng hoạt động vì dịch Covid-19.
Không để tay nghề bị mai một, năm 2020, anh Lam xin gia đình cho mở cơ sở xoa bóp, massage tại nhà. Những ngày đầu mở cơ sở, anh gặp khó khăn vì không có nhiều khách hàng biết đến. Song, bằng sự nhiệt tình và thái độ phục vụ khách ân cần, chu đáo, cơ sở xoa bóp, massage của anh ngày càng thu hút khách hàng. Hơn 3 năm qua, cơ sở của anh hoạt động ổn định; anh thuê thêm 2 nhân viên đều là người khiếm thị với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Anh Lam hiện có thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/tháng.
Anh chia sẻ: “Thấu hiểu khó khăn, vất vả của những người cùng cảnh ngộ, tôi đang cố gắng tạo dựng và mở thêm cơ sở mới, tạo thêm nhiều việc làm cho họ”.
CHƯƠNG HIẾU