Xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại
Với mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp, định hướng trong giai đoạn 2025 - 2030 tỉnh Bình Ðịnh sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, bền vững để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển KT-XH.
Theo Sở TN&MT, tỉnh Bình Định quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ được phân thành 3 vùng: Khu vực phía Bắc tỉnh sẽ đầu tư khu xử lý CTRSH tại TX Hoài Nhơn, tiếp nhận lượng rác thải của TX Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ với công suất xử lý 350 tấn/ngày (năm 2030). Phía Tây tỉnh đầu tư khu xử lý CTRSH tại huyện Tây Sơn, xử lý rác thải huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh với công suất 100 tấn/ngày (năm 2030). Phía Nam tỉnh đầu tư công nghệ xử lý CTRSH tại bãi rác Long Mỹ (TP Quy Nhơn) để xử lý rác thải của TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát với công suất 800 tấn/ngày (năm 2030).
Hoạt động của Trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Long Mỹ góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Để thực hiện mục tiêu trên, giữa tháng 4.2023, Sở TN&MT tổ chức Hội thảo bàn giải pháp ứng dụng công nghệ để xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh nhằm ghi nhận ý kiến các chuyên gia, DN chuyên về đầu tư nhà máy xử lý CTRSH tại Bình Định ứng dụng tổng hợp các công nghệ, như: Xử lý rác thải tươi ủ phân compost; ủ rác thải để thu khí metan và phân compost; xây dựng bãi rác tuần hoàn; xử lý rác thải bằng đốt rác phát điện… để đề xuất UBND tỉnh đề án thu hút đầu tư các dự án xử lý CTRSH theo hướng xã hội hóa.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý CTRSH, ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận (tỉnh Ninh Thuận), đề xuất: Tỉnh Bình Định nên áp dụng công nghệ xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt tái chế sử dụng năng lượng. Tỉnh cũng nên tạo điều kiện thuận lợi, giao các nhà đầu tư thực hiện dự án từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý CTRSH.
Nhiều DN khác cũng cho rằng tỉnh Bình Định khi thu hút đầu tư các dự án xử lý CTRSH phải lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực đã được khẳng định, uy tín cao mới mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn AMACCAO (TP Hà Nội), chia sẻ: “Để đạt hiệu quả kinh tế tốt, nhà máy đốt rác thải phát điện phải có quy mô xử lý từ 500 tấn rác/ngày, bán kính cung đường vận chuyển lượng rác thải đến nhà máy phải dưới 50 km. Tuy nhiên, suất đầu tư khi sử dụng công nghệ đốt rác thải phát điện rất cao, từ 2,3 - 2,5 tỷ đồng/tấn, nên tỉnh Bình Định cần cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thật tốt thì dự án mới mang lại hiệu quả lâu dài”.
Xã hội ngày càng phát triển, đồng nghĩa với các loại CTRSH sẽ tăng cao, là thách thức lớn đối với môi trường. Do đó, một mặt nhà nước vận động người dân thay đổi lối sống ít phát thải, mặt khác để giải quyết vấn đề trước mắt, tổ chức thu gom thật tốt các loại CTRSH, ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý CTRSH, hạn chế tối đa việc chôn lấp như hiện nay.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí để kêu gọi các DN vào Bình Định đầu tư các dự án xử lý CTRSH ứng dụng công nghệ hiện đại theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch với những chính sách ưu đãi của tỉnh khi thu hút các nhà đầu tư, nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, gắn với phát triển KT-XH của tỉnh.
Đầu tư cho môi trường nói chung, xử lý rác thải nói riêng thì phải làm tốt công tác quy hoạch. Do đó, tỉnh Bình Định phải quy hoạch rồi mới giao đất cho nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý CTRSH. Về công nghệ xử lý CTRSH, không chỉ có một mà nhiều công nghệ khác nhau và thay đổi theo thời gian, nên tỉnh Bình Định cần lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương để đầu tư hiệu quả”.
GS Nguyễn Văn Phước - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT TP Hồ Chí Minh
ÐOAN NGỌC