Chung tay chăm lo cho các Mẹ
100% Mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Ngoài ra, chính quyền các địa phương không ngừng vận động, kêu gọi sự quan tâm từ cộng đồng để các mẹ có thêm nhiều niềm vui ở tuổi “gần đất xa trời”.
Dịp 30.4 vừa qua, huyện Tây Sơn đón các thành viên của Quỹ thiện nguyện Lá Xanh (chùa Đống Cao, tỉnh Thái Bình) tại miền Trung về xã Tây Giang làm lễ nhận phụng dưỡng hai Mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Nhiễu và mẹ Lê Thị Đặng, với mức 2 triệu đồng/tháng/mẹ.
Lễ nhận phụng dưỡng mẹ Lê Thị Đặng diễn ra trang trọng và ấm áp. Ảnh: Quỹ Lá Xanh
Các buổi lễ nhận phụng dưỡng diễn ra trang trọng, ấm cúng tại nhà riêng của các mẹ. Người đã qua tuổi 90, người cập kề tuổi 90, mái đầu đều bạc phơ, đi lại đều khó khăn, chỉ nụ cười thật bao dung, nhân hậu và ánh mắt ấm áp dành cho những người con chưa từng quen biết đến nhà. Các mẹ đều bảo, Đảng, Nhà nước lo cho mình tận tình lắm, mẹ cũng đã già, ăn uống không bao nhiêu; vậy nhưng, mẹ luôn muốn có thêm thật nhiều những đứa con từ mọi phương tìm về, gọi mình là “Mẹ”.
Đến vùng đất “thành đồng” Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) dịp 30.4 rồi, nghe một số cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng nói lời tri ân những người mẹ nén nỗi đau mất người ruột thịt máu mủ vào sâu thẳm đáy lòng mình, dùng cả tính mạng mình mà che giấu, cưu mang những “đứa con không phải do mình đẻ ra”. Mẹ không còn nhớ những đứa con trong chiến tranh ấy nữa; chỉ những đứa con nhận sự cưu mang của các mẹ mãi không quên ân tình bao la của mẹ.
“Những bà mẹ Bình Định kiên cường, vĩ đại lắm. Không có các mẹ, trong những lần bị bố ráp, có lẽ tôi đã không còn sống. Vậy nên, còn khỏe ngày nào, tôi và nhiều đồng đội cũ cứ muốn vào đây, thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống ở nghĩa trang rồi đến vấn an mẹ còn sống. Dù rằng có lẽ mẹ không còn nhớ, nhưng chúng tôi thì không bao giờ quên”, cựu binh Sư đoàn 3 Sao Vàng Mai Trần Thành (quê tỉnh Thái Bình) trải lòng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 4.2023, toàn tỉnh có 159 Mẹ còn sống, riêng đất Hoài Châu Bắc từ mấy trăm giờ chỉ còn 3 mẹ; huyện Tây Sơn còn 6 mẹ. Huyện Tuy Phước chỉ có 5 mẹ còn sống, người ít tuổi nhất sinh năm 1933, nhiều nhiều tuổi nhất SN 1920. Mẹ già như chuối chín cây; từ khảo sát sơ bộ thực tế, gần 10 tháng qua, đã có khoảng 20 mẹ qua đời vì tuổi cao sức yếu.
Các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của tỉnh đã được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, trợ cấp hằng tháng bằng 3 lần mức chuẩn; phụ cấp hằng tháng; điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm; được Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; người phục vụ mẹ cũng được hưởng mức trợ cấp theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, các địa phương nỗ lực thu hút sự quan tâm của cộng đồng dành cho mẹ; nhờ vậy, nhiều mẹ có đến 2 cơ quan, đơn vị cùng tổ chức, nhà hảo tâm nhận phụng dưỡng.
Theo ngành LĐ-TB&XH, công tác chăm lo cho Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh luôn có sự chung tay của các ban, ngành, hội đoàn thể của tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh là con, cháu của những người từng mang ơn mẹ.
“Tỉnh đang gấp rút hoàn tất tập kỷ yếu Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh để bày tỏ tấm lòng tôn kính, sự tri ân vô hạn của Đảng bộ, quân và nhân dân Bình Định đối với sự hy sinh cao cả của các mẹ, làm nguồn tài liệu ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ hôm nay và mai sau”, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng cho biết.
KHÁNH HUÂN