Lan tỏa di sản nghệ thuật hát bội
Trong tháng 3 - 4.2023, CLB Face Art Bình Ðịnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động: Giới thiệu mặt nạ hát bội, thi vẽ mặt nạ hát bội Bình Ðịnh, biểu diễn hát bội, bài chòi, võ cổ truyền miễn phí… tại một số nơi, góp phần tiếp thêm tình yêu bảo tồn di sản văn hóa của Bình Ðịnh đối với thế hệ trẻ.
Tại Trường THCS Ngô Mây, TP Quy Nhơn các em học sinh chăm chú theo dõi các tiết mục biểu diễn võ cổ truyền Bình Định, hô bài chòi dân gian, nghe NSND Xuân Hợi giới thiệu về mặt nạ hát bội Bình Định, quan sát Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kiều - Trưởng đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây, cùng học trò là nghệ nhân Bé Phi hóa trang, biểu diễn một trích đoạn hát bội.
NSND Xuân Hợi (bìa trái) hướng dẫn học sinh Trường THCS Ngô Mây vẽ mặt nạ hát bội. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Các nghệ nhân còn trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm với học sinh, hướng dẫn các em vẽ mặt nạ hát bội trên những chiếc mặt nạ bằng vật liệu composite được đúc sẵn. Em Trần Anh Bảo Thư, học sinh lớp 8A3 Trường THCS Ngô Mây, vui vẻ chia sẻ: “Được trải nghiệm các hoạt động bổ ích như thế này chúng em đã hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của quê hương, giúp ích rất nhiều trong việc học”.
Xúc động vì được sự đón nhận nồng nhiệt từ các thầy cô, học sinh, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kiều, tâm tình: “Tôi có hơn 40 năm gắn bó với việc thực hành và truyền dạy bài chòi, hát bội, nhưng đây là lần đầu tôi tiên được biểu diễn hát bội và giao lưu với học sinh ngay tại trường học. Tôi mong sẽ có nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động này để giúp lớp trẻ trân trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông”.
Cùng chung cảm xúc, NSND Xuân Hợi, chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân, họa sĩ trong CLB Face Art Bình Định tham gia các hoạt động này để giúp các em trải nghiệm thực tế, tiếp cận gần hơn với nghệ thuật truyền thống, góp phần quảng bá rộng bản sắc văn hóa của Bình Định”.
Trường ĐH Quy Nhơn cũng chủ động mời CLB Face Art Bình Định đến tổ chức các chương trình này tại thư viện trường để giới thiệu cho sinh viên hiểu sâu hơn về di sản văn hóa phi vật thể của Bình Định đã thu hút đông đảo giảng viên, sinh viên của trường, sinh viên nước ngoài là thực tập sinh tại Trường háo hức tham gia.
Bạn Mand, sinh viên Trường ĐH Hogent (Vương quốc Bỉ) là thực tập sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn, tươi cười: “Lần đầu tiên được ngắm nhìn những chiếc mặt nạ muôn màu muôn vẻ, biết đến nghệ thuật hát bội Bình Định, cảm giác thật thú vị; càng tuyệt vời hơn khi tôi tự tay vẽ mặt nạ hát bội Bình Định. Những trải nghiệm này thật sự khó quên đối với tôi. Chắc chắn tôi sẽ rủ bạn bè mình trở lại Bình Định để khám phá nhiều hơn những nét văn hóa độc đáo của vùng đất này”.
Ngay trong lần đầu tiên phối hợp CLB Face Art Bình Định tổ chức một hoạt động phục vụ sinh viên và thành công ngoài mong đợi, TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn, thổ lộ: “Chúng tôi muốn phát triển thư viện Trường ĐH Quy Nhơn theo hướng hiện đại không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên nhà trường mà còn là nơi quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương thông qua việc tổ chức thường xuyên các hoạt động vẽ mặt nạ hát bội, biểu diễn hát bội, bài chòi, võ cổ truyền tại thư viện trường để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm”.
Ngoài Trường THCS Ngô Mây, Trường ĐH Quy Nhơn, CLB Face Art Bình Định cũng phối hợp tổ chức chương trình này tại phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) và Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan (TX An Nhơn) để lan tỏa tình yêu di sản văn hóa.
Anh Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định, bày tỏ: “Chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục, văn hóa, du lịch, các địa phương phối hợp tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm tạo sân chơi bổ ích giáo dục học sinh, sinh viên bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa riêng của quê hương, quảng bá cho du khách du nét đặc trưng khi đến Bình Định”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN