Ðiều trị bằng y học cổ truyền: Kết hợp nhiều phương pháp, nâng cao hiệu quả điều trị
Cùng với y học hiện đại, việc chữa bệnh bằng y học cổ truyền cũng được quan tâm, đặc biệt gần đây nhờ điều trị hiệu quả trông thấy, mức độ tín nhiệm của bệnh nhân chữa bệnh bằng y học cổ truyền các bệnh về thần kinh, cơ - xương - khớp cao hơn trước.
Theo các chuyên gia y tế, các bệnh liên quan đến thần kinh, cơ - xương - khớp… là bệnh thường gặp và ngày càng “trẻ hóa”, đặc biệt là ở những người làm công việc văn phòng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Già hóa dân số, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, lối sống ít vận động, hoặc hoạt động quá sức gây tổn thương cho cột sống... Bên cạnh y học hiện đại, các kỹ thuật điều trị và những bài thuốc của y học cổ truyền ngày càng gặt hái nhiều thành công.
Kết hợp trang thiết bị giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định. Ảnh: Đ. THẢO
Mỗi lương y thường có những bài thuốc tâm đắc về từng bệnh khác nhau. Về chứng đau thần kinh liên sườn, y sĩ Đoàn Minh Trực, sinh hoạt ở Hội Đông Y xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, chia sẻ: Theo y học cổ truyền, tình trạng đau hai mạng sườn được gọi là “hiếp thống”, nguyên nhân là do can khí uất kết, khí cơ trì trệ, can hỏa quá mạnh hoặc do khí trệ huyết ứ, đàm ẩn… nhiều khi do căng thẳng thần kinh (stress) cũng có thể dẫn tới chứng này. Bệnh nhân thường đau một hoặc hai bên mạng sườn, người bệnh dễ cáu giận, miệng đắng, mạch huyền, khẩn. Theo từng nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện mà sẽ có bài thuốc khác nhau. Nếu đau do lạnh thì dùng pháp chữa khu phong tán hàn, thông kinh, hoạt lạc; còn nếu đau khi bị kích thích thì dùng pháp chữa sơ can hành khí hoạt huyết. Ngoài các bài thuốc, tùy theo nguyên nhân chúng tôi sẽ thực hiện châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp, bấm huyệt.
Đặc trưng của y học cổ truyền là để điều trị thành công, người bệnh phải kiên nhẫn, tích cực hợp tác với thầy thuốc. Đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh mắc chứng phong thấp nhiệt tý (thấp khớp), lương y Nguyễn Đông Hải, Hội Đông Y huyện Phù Cát, cho biết: Mới đây, tôi gặp bệnh nhân bị sưng đau khớp, có hiện tượng nóng đỏ, đây là hậu quả của cảm sốt dài ngày hoặc điều trị cảm sốt không dứt điểm, triệt để. Tôi dùng pháp trị thanh nhiệt giải độc là chính, sơ phong thông lạc là phụ, kết hợp 2 bài thuốc và thực hiện châm cứu ở một số huyệt. Sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn bình phục. Điều trị bằng y học cổ truyền phải thật sự kiên nhẫn vì thời gian điều trị thường kéo dài nhưng bù lại có thể đạt mức độ lành bệnh triệt để, kết quả bền vững.
Ngoài các phương pháp và bài thuốc cổ truyền, các cơ sở y tế có chuyên ngành y học cổ truyền thường kết hợp cổ truyền với hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả điều trị vừa rút ngắn thời gian. Là bệnh viện chuyên về y học cổ truyền của tỉnh, mấy năm gần đây Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định luôn trong tình trạng kín giường bệnh.
Phó Giám đốc Bệnh viện Võ Ngọc Phải chia sẻ: 100% bệnh nhân của Bệnh viện được hưởng đầy đủ các dịch vụ của 2 mảng y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Trong khi y học cổ truyền đi theo hệ thống lý thuyết y học phương Đông thì phục hồi chức năng là 1 chuyên ngành của y học hiện đại. Thật ra, các bệnh lý của y học cổ truyền và phục hồi chức năng tương đối giống nhau (các bệnh lý về thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên, cơ xương khớp, vận động, các rối loạn về mặt tâm thần kinh, giác quan). Tuy cách tiếp cận và lý thuyết cơ bản của 2 chuyên ngành khác nhau nhưng các can thiệp lại có tính chất hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, mỗi ngày một bệnh nhân tham gia điều trị tại Bệnh viện có thể được thực hiện ít nhất 4 dịch vụ kỹ thuật và nhiều nhất là 6 dịch vụ kỹ thuật. Trong đó có 1 - 2 kỹ thuật y học cổ truyền, còn lại là kỹ thuật phục hồi chức năng. Cụ thể, ở mảng y học cổ truyền, ngoài việc dùng thuốc y học cổ truyền, bệnh nhân sẽ được châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt. Bên phục hồi chức năng can thiệp giác quan, vận động, ăn và nói. Còn đối với bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp cần dùng thuốc dài ngày thì còn dùng kết hợp cả thuốc tân dược. Qua đó, bệnh nhân được tiếp cận và điều trị một cách toàn diện.
Tại Khoa Y học cổ truyền, BVĐK tỉnh, ngoài hoàn thiện bộ phận đông dược, Khoa đã triển khai và phát triển tốt các kỹ thuật như: Thủy châm, điện châm, xoa bóp, bấm huyệt ở các bệnh cơ - xương khớp, thần kinh. Mới đây đã triển khai châm cứu bằng phương pháp cấy chỉ để góp phần điều trị, phục hồi cho bệnh nhân sau khi điều trị bằng y học hiện đại.
Anh B.N.C (39 tuổi, ở huyện Tuy Phước) chia sẻ: Khi đến khám tại BVĐK tỉnh, tôi được giới thiệu thực hiện châm cứu bằng phương pháp cấy chỉ để điều trị đau, tê chân, cộng với việc kiêng bia rượu theo lời dặn của bác sĩ, tôi thấy tình trạng đau tê nhức cải thiện tốt. Thực hiện phương pháp này cũng giúp tôi yên tâm hơn so với việc dùng thuốc giảm đau quá nhiều.
ĐỖ THẢO