Rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đúng quy định
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đến hết tháng 4.2023, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng đợt 1 bệnh cúm gia cầm được gần 828 nghìn con, bệnh viêm da nổi cục cho hơn 24.500 con, bệnh lở mồm long móng cho hơn 58.500 con trâu, bò. Đến nay, nhìn chung tỉnh ta đã kiểm soát, khống chế tốt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đợt tiêm vắc xin thứ 1 năm 2023 ở tỉnh ta sẽ kết thúc vào cuối tháng 6; hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Điểm mới của năm nay là toàn tỉnh tổ chức tiêm vắc xin khép kín với bệnh cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục (đợt 1 từ ngày 1.1.2023 đến 30.6.2023 và đợt 2 từ ngày 1.7.2023 đến 31.12.2023). Mục đích của việc tiêm khép kín là để kịp thời tiêm bổ sung đầy đủ cho vật nuôi, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong đàn.
Tổ chức tiêm phòng đúng quy định, đặc biệt tiêm khép kín với bệnh cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục là điểm mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh năm nay. Ảnh: THU DỊU
Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, các địa phương trong tỉnh tổ chức tiêm vắc xin bài bản, chu đáo, đúng tiến độ, tạo thuận lợi rất lớn cho chăn nuôi do nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài đang tăng cao.
Theo ghi nhận từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong quý 1.2023, cả nước ghi nhận dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố; cúm gia cầm ở 4 tỉnh; lở mồm long móng ở 6 tỉnh, viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra ở 5 tỉnh…
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ mầm bệnh từ các nơi đã xuất hiện dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh ta rất cao. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, giám sát công tác tiêm phòng được yêu cầu phải khẩn trương. Dù đã chủ động triển khai các nhóm giải pháp theo kế hoạch tiêm phòng của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò ở tỉnh ta tuy đạt nhưng không cao. Ta cần nâng cao tỷ lệ này thật nhanh do diễn biến thời tiết phức tạp khiến các véc tơ truyền bệnh sinh sôi, nảy nở nhanh; nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh rất lớn.
Đến nay, tổng đàn bò toàn tỉnh là hơn 306 nghìn con; đàn heo gần 655 nghìn con, đàn gia cầm hơn 9,4 triệu con (trong đó đàn gà hơn 7,6 triệu con). Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, ngay cuối tháng 4.2023, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm đạt 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Định đang được kiểm soát tốt; công tác tiêm phòng đợt 1 vẫn duy trì đúng tiến độ, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh bùng nổ vẫn tiềm ẩn, chực chờ. Do vậy, Sở NN&PTNT liên tục chỉ đạo, yêu cầu đơn vị chuyên môn bám sát thực tế các địa phương để nắm tình hình, tăng cường lực lượng đứng chân địa bàn để kịp thời bao quát diễn biến ở các địa phương. Riêng với vấn đề tổ chức tiêm phòng, trong đợt rà soát này, chúng tôi yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chú trọng khâu tiêm khép kín cúm gia cầm cho các hộ nuôi mới, tái đàn với quy mô nhỏ lẻ - đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao, nhằm kéo giảm tới mức thấp nhất việc dịch bệnh bùng phát. Riêng với bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, do đặc điểm kháng thể mẹ không truyền qua cho con nên chú trọng tuyên truyền người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn bê, nghé mới sinh là đối tượng dễ bị chết khi nhiễm bệnh, nhất là bê có tỷ lệ máu lai cao. Ngay đầu tháng 5.2023, ngành nông nghiệp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý chăn nuôi, tiêm phòng, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương trong tỉnh.
THU DỊU