Môi trường pháp lý thuận lợi hút các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam
Sáng 8.5, tại Hà Nội diễn ra hội thảo với chủ đề thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc - Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh.
Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Hiện Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam với tổng số vốn đạt 80,5 tỷ USD; số 2 về hợp tác phát triển, du lịch và lao động; số 3 về hợp tác thương mại, với kim ngạch đạt 88 tỷ năm 2022. Hàn Quốc có khoảng 8.000 DN đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, tình hình hiện nay đang có nhiều yếu tố bất định, khó lường, sẽ khiến cho việc kinh doanh của danh nghiệp đang gặp nhiều sóng gió. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc phải tiếp tục đa dạng đa phương hóa các quan hệ đối tác, bạn hàng để phân tán rủi ro; việc tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, các bạn bè thân thiết có ý nghĩa như những bến đỗ an toàn cho sự nghiệp kinh doanh.
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo.
“Các DN hợp tác làm ăn phải chú ý đến vấn đề pháp lý, hợp đồng để bảo vệ cho nhau phòng tránh được rủi ro để hợp tác một cách bền vững. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc với mạng lưới rộng lớn là các luật sư, các chuyên gia, các nhà kinh tế, các trọng tài viên am hiểu pháp luật và chuyên môn trong việc xử lý tranh chấp và tư vấn pháp luật. Đây sẽ là điểm tựa an toàn cho các nhà kinh doanh Việt Nam và Hàn Quốc trong quan hệ đầu tư kinh doanh thời gian tới”, ông Vũ Tiến Lộc nêu tiềm năng.
Để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại hai nước trong thời gian tới, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường phát lý thuận lợi, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm xúc tiến đầu tư kinh doanh làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
“Đa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất hệ thống dây chuyền cung ứng hàng hóa toàn cầu. Thời gian tới, Việt Nam cần nới lỏng chế độ chính sách về giấy phép lao động, giấy tạm trú cũng như giấy phép con, giấy phép phòng cháy chữa cháy. Hơn thế nữa, một số DN lớn của Hàn Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam cũng đang gặp khó khăn, mất nhiều thời gian khi xin giấy phép triển khai một số dự án”, ông Hong Sun cho biết.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)