Người trẻ góp sức giữ gìn di sản hát bội
Dù còn nhiều trăn trở về lớp trẻ kế nghiệp thực hành di sản hát bội Bình Ðịnh, nhưng một số đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên trong tỉnh cũng đã có duyên tìm được và đào tạo nên một số nghệ nhân trẻ theo nghề, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều My (33 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật hát bội. Cha mẹ là nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Minh Lưỡng và NNƯT Lệ Hoa là bầu Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng (TX An Nhơn) đã vun đắp tình yêu nghệ thuật hát bội cho cô từ thuở nhỏ. Đến nay, Kiều My đã diễn thuần thục nhiều vai đào chính, gặt hái thành công khi đạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc; được trao Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến tài hát bội - bài chòi Bình Định, Giải thưởng Đào Tấn (do Viện Sân khấu thành lập từ năm 1995), bằng khen của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam).
Nghệ nhân Kiều My tâm sự: “Ngoài cha mẹ, tôi cũng được nghệ nhân Thanh Tịnh là diễn viên chính của Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng tận tình chỉ dạy. Sau mỗi đêm diễn, nghệ nhân Thanh Tịnh thường góp ý, chỉ thêm cho tôi nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm diễn xuất để tôi từng bước nâng cao trình nghề, nối nghiệp”.
Cũng là con nhà nòi hát bội, từ năm 15 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Thùy Trang (30 tuổi, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) được mẹ là NNƯT Kiều Oanh - Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội An Nhơn dẫn theo lưu diễn để làm quen với lời ca, tiết điệu, ánh đèn sân khấu hát bội. Sau nhiều năm theo nghề, Thùy Trang được rèn giũa cho đóng những vai đào, như Huê Thần Nữ (vở Huê Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ), vai công chúa trong các vở tuồng tiểu thuyết…
“Tôi may mắn khi sinh ra trong gia đình có truyền thống hát bội, nên đến với nghề gặp nhiều thuận lợi. Được mẹ kèm cặp, lại được NNƯT Hoàng Trinh là diễn viên của Đoàn tận tâm truyền dạy, nhờ vậy tôi từng bước hoàn thiện nhiều vai diễn hơn”, nghệ nhân Thùy Trang chia sẻ.
Nghệ nhân Đình Trung và Thùy Trang biểu diễn giới thiệu nghệ thuật hát bội tại Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật, nhưng Nguyễn Thị Bé Phi (20 tuổi, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) rất mê hát bội. Bé Phi có duyên quen biết và được NNƯT Hoàng Kiều - Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây truyền dạy nghề. Với năng khiếu bẩm sinh, lại được sự truyền dạy tận tâm của NNƯT Hoàng Kiều, cũng như các nghệ nhân trong Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây, sau 5 năm theo nghề, Bé Phi đã có chỗ đứng trên sân khấu chinh phục khán giả qua những vai đào phụ, đào chính trong các vở diễn Huê Thần Nữ dâng ngũ linh, Ngũ Hổ bình Nam…
Nghệ nhân Bé Phi tâm tình: “Từ nhỏ tôi đã mê hát bội, thích nhất là xem các nghệ nhân hóa trang vẽ mặt nạ hát bội. Nhưng để tôi đến với sân khấu hát bội có lẽ là mối lương duyên với NNƯT Hoàng Kiều. Năm 2017, Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây đến diễn, tôi bị cuốn hút bởi lối diễn của cô Hoàng Kiều, nên xin cô cho tôi theo học nghề. Dù đã diễn được nhiều vai, nhưng tôi tự biết mình vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Cũng như Bé Phi, nghệ nhân Lê Đình Trung (27 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đến với nghệ thuật hát bội bằng niềm đam mê. Sau 4 năm theo học nghề, nghệ nhân Đình Trung đã trở thành diễn viên của Đoàn nghệ thuật hát bội Sao Mai. Sở trường của nghệ nhân Đình Trung là đóng những vai kép xéo, như Hạ Hầu Đôn (vở Cổ Thành)…
Nghệ nhân Đình Trung bộc bạch: “Nghệ thuật hát bội rất khó để lớp trẻ tiếp cận giữa xã hội hiện đại, việc theo nghề càng khó hơn. Với những diễn viên trẻ như chúng tôi, nếu không có niềm đam mê nghệ thuật hát bội thì cũng không thể gắn bó với nghề. Tôi cũng mong sẽ có nhiều lớp trẻ theo nghề để giữ gìn và phát huy di sản hát bội của Bình Định”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN