Lễ hội đường phố tôn vinh di sản văn hoá Bình Định
Tối 2.8, giữ vai trò linh hồn trong chương trình Lễ hội đường phố (LHĐP), những võ sĩ, võ sinh võ cổ truyền, các nghệ sĩ tuồng chân đất và nghệ nhân bài chòi, bả trạo, cùng đồng bào Chăm H’roi, Bana, H’re Bình Định đã thực sự trở thành sứ giả văn hóa, quảng bá di sản văn hoá của quê hương mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Chương trình nghệ thuật mở đầu Lễ hội đường phố.
Chương trình LHĐP trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần V - Bình Định 2014 có chủ đề “Bình Định miền đất võ - hội tụ và tỏa sáng” diễn ra tại khu vực quảng trường đường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn).
Hoạt cảnh hát bả trạo của ngư dân miền biển.
Chương trình nghệ thuật đậm chất Bình Định này có sự tham gia biểu diễn của khoảng 600 người, là võ sĩ, võ sinh, nghệ sĩ, nghệ nhân, cộng tác viên đến từ các đơn vị văn hóa, thể dục thể thao, võ thuật, nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư dân lập trong tỉnh và đồng bào thiểu số 3 huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Biểu diễn võ tuồng trong Lễ hội đường phố.
Chương trình gồm 11 tiết mục, chia làm 4 phần: “Nhớ về Quốc tổ Hùng Vương”, “Non Tây áo vải cờ đào”, Quyện sắc hương đất trời Bình Định” và “Hội tụ miền đất võ”.
Múa rồng trong Lễ hội đường phố
Màn khai hội tưng bừng, với trống chầu giục giã và múa lân, múa rồng đẹp mắt, đưa người xem bước vào đêm LHĐP lung linh sắc màu và vang vọng khí phách sông núi, lấp lánh những vì sao di sản được hun đúc, giữ gìn, trao truyền qua bao thế hệ.
Tiết mục múa chiêng trong Lễ hội đường phố.
Chùm hai tiết mục trong phần đầu “Nhớ về Quốc tổ Hùng Vương” đưa ta trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Trên sân khấu, hình ảnh những anh hùng có công lập quốc buổi bình minh của dân tộc được tái hiện: vua Hùng, Sơn Tinh, Mỵ Nương, vợ chồng Mai An Tiêm, Lang Liêu, Thánh Gióng, Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng; cùng với đó là những hình ảnh đã quá quen thuộc trong tâm thức người Việt: những “voi chín ngà, gà chín cựa…”, bánh chưng - bánh dầy, dưa hấu, tre ngà, cờ lau…
Chương đầu tiên đêm nghệ thuật LHĐP có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mà còn dẫn nhịp cầu hồi tưởng, thắp lên ngọn lửa tự hào về trang sử vẻ vang buổi đầu mở nước.
Theo dòng chảy của lịch sử dân tộc, LHĐP dẫn dắt người xem hồi tưởng về một trong những thời kỳ chói lọi nhất: thời Tây Sơn. Sử sách đã ghi nhận thời Tây Sơn là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất của võ cổ truyền Bình Định. Bên cạnh đó, một trong những “vũ khí” đặc biệt góp phần tạo nên những chiến công hiển hách cho phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn là nhạc võ Tây Sơn.
Tái hiện hình ảnh các nhân vật Sơn Tinh, Mai Ai Tiêm
Sự gắn bó chặt chẽ của âm nhạc và võ thuật thời Tây Sơn được minh chứng lần nữa bằng tiết mục “Biểu diễn võ cổ truyền và trống trận Tây Sơn” - đây gần như là nội dung không thể thiếu trong chương trình LHĐP lần này cũng như qua 5 lần liên hoan võ.
Nối tiếp không gian nghệ thuật rền vang nhạc võ và rợp sắc đỏ cờ đào, sân khấu chuyển sang một không gian khác. Đó là thanh âm dìu dặt, xôn xao như lời sóng vỗ, lời biển gọi, cùng sắc xanh của biển trời, hình ảnh cá tôm bơi lượn, gợi lên vẻ nên thơ của một mảnh đất duyên hải…
Tiếp đó, trên nền nhạc cổ truyền hát múa bả trạo, đội hình bả trạo bằng động tác chèo thuyền, vừa đi vừa hát. Tiết mục hát múa bả trạo do Đội bả trạo Bình Thái (ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) biểu diễn, bắt đầu cho chuỗi 4 tiết mục mang đậm bản sắc dân gian cổ truyền Bình Định. Toàn đội với 24 thành viên, vài tuần qua, những ngư dân này đã tạm xa những chuyến biển, gác lại việc nhà… để góp mặt vào sự kiện văn hóa lớn này của tỉnh.
Với tiết mục “Trình tường và mặt nạ tuồng”, những đào, kép xuất sắc nhất đến từ 7 đoàn tuồng không chuyên giỏi trong tỉnh: Trần Quang Diệu, Phước An, Ánh Dương, Sao Mai, An Nhơn 1, An Nhơn 2 và Nhơn Hưng đã gửi đi thông điệp: Bình Định - xứ sở của những danh ca tuồng, của những gánh tuồng vẫn còn lưu giữ đến hôm nay bởi những nghệ sĩ chân đất.
“Khi chúng tôi mời các nghệ sĩ tuồng không chuyên, nghệ nhân bài chòi, nghệ nhân bả trạo, các đồng bào dân tộc thiểu số tham gia biểu diễn cho Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền kỳ này, họ rất phấn khởi. Không phải chỉ cái phấn khởi đơn thuần vì lần đầu tiên được biểu diễn trên một sân khấu hoành tráng, hiện đại, mà còn là niềm vinh dự, trách nhiệm của người chủ thể văn hóa, được giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của quê hương, của tộc người mình đến bạn bè quốc tế”, ông Nguyễn An Pha, đạo diễn thành viên chương trình LHĐP.
Tập thể nghệ sĩ tuồng không chuyên đã biểu diễn các lớp tuồng: “Tam Anh chiến Lữ Bố”, “Lưu Kim Đính phá đại chiến Dương Hồng”, “Tiết Cương chiến đấu Võ Tam Tư”, “Tiết Nhơn Quý chinh Đông”, “Đổng Trác - Điêu Thuyền”… với những màn vũ đạo tuồng đẹp mắt, thể hiện rõ đậm nét sự tồn tại của võ trên sân khấu tuồng.
Không gian văn hóa Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định cũng được các nghệ nhân Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian Bình Định mang đến giới thiệu tại LHĐP lần này. Trong chưa đầy 10 phút, tiết mục này đã giới thiệu một cách cô đọng về nghệ thuật đánh bài chòi ở Bình Định, qua đó góp phần quảng bá di sản bài chòi - di sản đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đề cử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tiếng mõ tre lốc cốc vui tai trong hội đánh bài chòi vừa dứt, nhường không gian cho tiếng tốc chinh, trống Kơ-toang, cồng chiêng trong tiết mục “Âm vang đại ngàn” do gần 100 đồng bào ba dân tộc thiểu số Chăm H’roi Vân Canh, Bana Vĩnh Thạnh, H’re An Lão trong tỉnh biểu diễn.
Sau khi trình diễn trên sân khấu chính, 11 đoàn của 11 tiết mục tiếp tục biểu diễn trên một sân khấu rộng lớn hơn. Đó là một đoạn đường Nguyễn Tất Thành, ở đó có sự cộng hưởng, tương tác cùng khán giả.
Với sự tham gia biểu diễn chính là các đoàn, câu lạc bộ nghệ thuật nghiệp dư dân lập của Bình Định, LHĐP lần này có tính quần chúng rộng mở, tạo nên một bầu không khí biểu diễn và thưởng thức văn hóa nghệ thuật mới mà ở đó vai trò của chủ thể văn hóa được đề cao…
SAO LY
Tôi là người gốc ở Hoài Ân, Bình Định, nhưng đã định cư tại Mỹ từ lâu. Đây là lần đầu tiên tôi về quê và đi xem trực tiếp Liên hoan võ cổ truyền được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn. Liên hoan võ là một chương trình mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng. Bà con Việt kiều chúng tôi dù xa quê, vẫn rất quan tâm và theo dõi các lần tổ chức trước. Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp tại quê hương. Nhưng thú thật, còn có quá nhiều điều khiến tôi thấy Ban tổ chức và quý báo nên xem xét lại cách tổ chức và tuyên truyền cho liên hoan này. Đêm khai mạc tối ngày 1-8, tôi đi xem lễ khai mạc thì không xem trực tiếp được mà phải thông qua màn hình. Tôi và một số bạn bè tôi ở TPHCM về xem đều rất thất vọng. Đến tối ngày 2-8, chúng tôi vẫn quyết định ở lại Quy Nhơn để xem lễ hội đường phố. Nhưng tiếc là chương trình lại quá nhạt. Toàn bộ chương trình đơn thuần chỉ là "cuộc diễu hành" của các đoàn và địa phương, không mang tính chất là lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa của Bình Định như quý báo đã đưa hôm nay. Tên gọi chương trình quá lớn, trong khi nội dung hoạt động thực chất là không phải lễ hội. Đó là chưa kể "hạt sạn" trong khâu tổ chức chương trình. trong khi các đoàn võ sư, võ sĩ của nước ngoài đang đi bộ để "diễu hành" trên đường Nguyễn Tất Thành thì một chiếc xe máy, không đội mũ bảo hiểm do một thanh niên chở thiếu nữ chạy vào ranh giới đi bộ cho các đoàn đi bộ. Chiếc xe này đã chạy một quãng dài mà không một lực lượng công an, bảo vệ nào ngăn cản, đến khi gần hết đường Nguyễn Tất Thành mới thấy có công an thổi dừng lại. Vì tôi làm về du lịch nên những gì cảm nhận của tôi không chỉ là một ý kiến của người dân mà còn là ý kiến của mộ khách du lịch đến Bình Định. Ban Tổ chức chương trình nên chú ý nhiều hơn và tính toán lại khâu tổ chức cũng như các chương trình trong liên hoan, tránh làm lãng phí mà lại không quảng bá được đúng bản sắc văn hóa của dân tộc. Quý báo cũng nên có sự nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, đầy đủ, cần thiết thì báo vẫn phải có những góc riêng phản ảnh về những điều chưa tốt, chưa đạt của chương trình, để Ban tổ chức sửa chữa kịp thời cho những hoạt động sau đó, hoặc thậm chí là làm bài học cho tổ chức Liên hoan lần sau. Kính chúc quý báo sức khỏe.