Đảm bảo nước tưới, chuyển đổi cây trồng phù hợp
Các địa phương đang tập trung làm đất và xuống giống vụ Hè Thu năm 2023. Năm nay, vấn đề trọng tâm được ưu tiên là quản lý việc cung cấp nước thật tốt, sử dụng nước tiết kiệm hợp lý và đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp, thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu.
Cập nhật nguồn nước để tổ chức sản xuất
Theo Chi cục Thủy lợi, kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023 trên địa bàn tỉnh trải ra trên diện tích gần 63.000 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa là hơn 53.000 ha (riêng lúa vụ Thu hơn 36.500 ha), cây trồng cạn gần 9.000 ha, nuôi trồng thủy sản 125 ha, sản xuất muối 93 ha. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phục vụ tưới 35.688 ha, các công trình thủy lợi địa phương quản lý khai thác phục vụ tưới 27.296 ha.
Các giống rau màu chịu nhiệt được ưu tiên sản xuất vụ Hè Thu.
- Trong ảnh: Người dân sản xuất giống dưa leo chịu nhiệt ở huyện Tây Sơn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng nắng nóng, dự báo nắng nóng cao điểm bắt đầu từ tháng 5 - 8 làm giảm nhanh lượng nước hồ chứa. Vì thế, Chi cục và các đơn vị quản lý theo sát diễn biến thời tiết, tình hình mực nước của các hồ chứa từng tuần để điều tiết tốt nhất việc cấp nước, đảm bảo phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao. Hiện 164 hồ chứa nước (tính hồ có dung tích từ 50.000 m3 trở lên) tích nước đạt khoảng 78,9% dung tích thiết kế, có 16 hồ chứa còn đầy nước. Ngay từ cuối vụ Đông Xuân, Chi cục phối hợp với các đơn vị kiểm đếm nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới dựa trên kế hoạch sản xuất của các địa phương. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã sớm ban hành các giải pháp vận hành hồ chứa hỗ trợ nước khi có nắng hạn gay gắt.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ năm 2020 đến nay, căn cứ vào diễn biến thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh đã linh hoạt điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất vụ Hè và vụ Thu, đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ Hè sớm hơn từ 10 - 15 ngày so với trước để tận dụng phần nước còn lại sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân; với vụ Thu thì cho đất nghỉ 1 - 2 tuần rồi xuống giống. Việc điều chỉnh này đã mang lại kết quả rất tốt.
Gieo trồng đúng lịch, chuyển đổi cây trồng phù hợp
Vụ Hè và Thu, nông dân tỉnh ta được khuyến cáo sử dụng các giống lúa ngắn ngày để tận dụng tối đa nguồn nước, tránh được mưa lũ trong thời điểm thu hoạch. Hiện, các địa phương đã tập trung gieo sạ được 9.192 ha lúa. Theo đó, ở các diện tích ruộng đảm bảo nước, ngành nông nghiệp khuyến khích sản xuất vụ Thu (xuống giống tập trung từ ngày 1 - 15.5) để đất có thời gian nghỉ ngơi; với các vùng cao, thiếu nước như vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ thì ưu tiên sản xuất vụ Hè ngay khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân. Từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, các địa phương tập trung xuống giống đồng loạt cây trồng cạn, diện tích gần 9.000 ha, tập trung các cây chủ lực bắp, đậu các loại và mè. Trong vụ này, toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là 1.148 ha, chuyển đổi trên đất trồng mía là 29 ha và chuyển đổi trên đất trồng mì 130 ha; đồng thời chuyển đổi từ sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm 1.483 ha.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, để sản xuất vụ Hè Thu đạt hiệu quả cao, Chi cục phối hợp với các địa phương rà soát diện tích sản xuất, thực hiện kế hoạch sản xuất phù hợp; mỗi địa phương cử 1 - 2 cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn theo dõi tình hình sản xuất, tiến độ và công tác phòng chống sâu bệnh hại. Đồng thời, Chi cục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn trên đất lúa, chuyển đổi cây trồng; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cây trồng phù hợp. Hướng dẫn bà con gieo sạ hợp lý, áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa như quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, quy trình tưới ướt- khô xen kẽ; điều tiết nước phù hợp cho từng giai đoạn của cây trồng. Cùng với đó, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh hại trên cây trồng để sớm có biện pháp khoanh vùng, dập dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Tập trung chuyển đổi cây trồng
“Vụ Hè Thu tập trung chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là những vùng không thuận lợi về nước tưới; trong đó, chuyển sang trồng bắp các loại ở An Nhơn, Hoài Ân; các vùng thiếu nước như Phù Mỹ ưu tiên chuyển sang trồng mè để thích ứng. Riêng cây đậu phụng vẫn tổ chức sản xuất ở các vùng hưởng nước tưới của hệ thống kênh tưới Văn Phong như Bình Thuận, Bình Tân (Tây Sơn) và Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Tân (Phù Cát)...”
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật
THU DỊU