Phát triển nghề nuôi tôm theo hướng tiên tiến, bền vững
Trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2023, riêng với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bình Ðịnh ưu tiên chuyển đổi phát triển các vùng nuôi tôm theo kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.
Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bình Ðịnh xác định tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực, đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 4.700 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó duy trì 2.400 ha mặt nước ngọt, phát triển 2.300 ha mặt nước mặn, nước lợ. Riêng NTTS ứng dụng công nghệ cao phấn đấu chiếm 30% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Chuẩn bị cho bước chuyển đổi này, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông tổ chức thí điểm các mô hình với quy mô vừa và nhỏ để khảo nghiệm, tiến tới xây dựng thành đề tài nghiên cứu khoa học về nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi - Biofloc theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Ðịnh. Kết quả từ mô hình khảo nghiệm, Trung tâm khuyến nông tính toán tổng chi phí đầu tư cho ao 2.000 m2 khoảng 376,7 triệu đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 240 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận là 63,75%. So sánh với nuôi thâm canh, bán thâm canh như lâu nay vẫn làm, tỷ suất lợi nhuận cao hơn 41,18%.
Năm 2023, tỉnh Bình Ðịnh chuyển đổi 65 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh sang áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, Biofloc. Ảnh: THU DỊU
Trên cơ sở đó, trong năm nay, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương chuyển đổi 65 ha vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hội đủ điều kiện kỹ thuật tại huyện Phù Cát (44 ha), TX Hoài Nhơn (15 ha) và huyện Phù Mỹ (6 ha) sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, trao đổi: Các xã, thị trấn từ Cát Tiến tới Cát Minh có môi trường phù hợp để nuôi thủy sản mà chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Hiện đã có 2 DN là Công ty TNHH Ngọc Châu và Công ty TNHH Thành Ly tổ chức nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, Biofloc; cùng với đó, một số hộ khác từng bước chuyển từ nuôi kiểu cũ sang áp dụng công nghệ Semi - Biofloc và bước đầu đã gặt hái thành công. Kết quả của sự chuyển đổi mạnh mẽ này ở Phù Cát phải kể đến sự tác động của những mô hình khảo nghiệm của ngành nông nghiệp trong thời gian qua, nhờ vậy bà con đã tin tưởng và áp dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Châu, DN đã triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi - Biofloc ở xã Cát Khánh, cho biết: Ðến nay chúng tôi đã xây dựng được vùng nuôi tôm áp dụng công nghệ cao với quy mô hơn 8 ha. Từ khi chuyển sang áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, các ao tôm của chúng tôi giảm hẳn dịch bệnh, giảm ô nhiễm, từ đó tăng được doanh thu, tăng lợi nhuận.
TX Hoài Nhơn có khoảng 200 ha NTTS, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm gần đây, người nuôi tôm ở Hoài Nhơn thường đối mặt với nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vì vậy việc chuyển đổi sang công nghệ mới là hướng đi phù hợp, giúp người nuôi tôm ổn định, bền vững với nghề.
Ông Nguyễn Văn Tiện, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, cho biết, nhờ tham gia mô hình thí điểm năm 2022, sang vụ nuôi năm 2023, ông chuyển toàn bộ diện tích ao nuôi của gia đình sang nuôi tôm bằng công nghệ Semi - Biofloc. Nuôi theo công nghệ mới bước đầu đã khắc phục được vấn đề ô nhiễm nước, giảm lượng thức ăn, dịch bệnh giảm rõ rệt, tiết kiệm được chi phí dành cho việc phòng ngừa, chữa bệnh cho tôm. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu để có thể nuôi tôm bằng công nghệ Semi - Biofloc khá cao, để đạt hiệu quả kinh tế tốt chỉ có thể áp dụng trên diện tích nuôi lớn, người nuôi tôm có điều kiện kinh tế vững chãi, ổn định.
Chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để cơ cấu lại ngành NTTS hiện nay của tỉnh. Lợi thế của tỉnh Bình Ðịnh là có vùng nuôi lớn, người dân nhạy bén và chịu khó trong việc áp dụng công nghệ mới; ngay trên địa bàn có 2 DN lớn hàng đầu về sản xuất tôm giống là Việt Úc và C.P, đảm bảo được nguồn giống chất lượng cao; tỉnh cũng có DN chuyên chế biến sản phẩm từ tôm xuất khẩu tạo được đầu ra cho người dân. “Dựa trên những thành công đã có, ngành nông nghiệp sẽ tích cực, quyết tâm phối hợp với các địa phương trong việc chuyển đổi xây dựng các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao phù hợp với thực tế!”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định.
THU DỊU