Làm giàu nhờ trồng cây dó bầu
Trên trang trại rộng hơn 20 ha, trước đây gia đình ông Nguyễn Cảnh ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát chỉ trồng các loại cây như điều, keo, mì…, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển dần sang trồng cây dó bầu để sản xuất trầm hương, kinh tế gia đình chuyển biến khá hẳn lên. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, vườn cây dó bầu của gia đình ông trở thành tài sản lớn.
Ông Cảnh cho biết: Giá trị của dó bầu phụ thuộc vào tuổi đời và lượng trầm trong thân cây. Cây càng già, trầm càng nhiều thì giá càng cao. Giá một cây dó bầu trưởng thành hiện dao động từ 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tôi có 8 ha với hơn 1.000 cây dó bầu, phần lớn trong số đó đã tạo trầm hương, đang chờ thu hoạch. Nếu bán hết số dó bầu trên một lúc, tôi sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Rừng dó bầu của tôi có chất lượng cao hơn thông thường còn là nhờ tôi và con trai đã thử nghiệm và áp dụng thành công phương pháp tạo trầm hữu cơ sinh học, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Cảnh (thứ hai trái sang) giới thiệu quy trình tạo trầm cho cây dó bầu. Ảnh: M.K
Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng dó bầu, ông Cảnh giải thích thêm về những con số màu đỏ trên các thân cây: Con số trên cây dó bầu tương ứng với hồ sơ của cây đó với đầy đủ các thông tin như tuổi đời của cây, chu kỳ khai thác, chế độ chăm sóc… Mình phải theo dõi sát từng cây, khi đó mới đạt hiệu quả cao. Trầm thường xuất hiện nhiều ở các cây già cỗi, u bướu hoặc có tác động từ tự nhiên, thường ở gốc rễ và đoạn thân trên 3 m. Để tạo trầm bằng phương pháp nhân tạo, người trồng phải tạo vết thương lên cây dó. Cách thức, kỹ thuật tạo trầm như thế cũng khá phổ biến và tự mỗi người sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với mỗi cây dó bầu.
MINH KHOA